Không thay đổi tư duy nhận thức, khó để có sự đổi thay

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, cán bộ, lãnh đạo của xã không thay đổi tư duy nhận thức trong hành động thì khó để có sự đổi thay

Thường trực Huyện ủy và các phòng, ban chuyên môn của huyện A Lưới cùng làm việc với đoàn công tác của Tỉnh ủy.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất

Hồng Bắc là xã biên giới, có 195 đảng viên, sinh hoạt ở 9 chi bộ. Mục tiêu mà cấp ủy, chính quyền địa phương xã Hồng Bắc xác định là, tập trung lãnh, chỉ đạo để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất gắn với xây dựng nông thôn mới.

Toàn xã hiện có 418 hộ nghèo; 87 hộ cận nghèo. Hồng Bắc phấn đấu, cuối năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 71,09% xuống còn 48,98% (giảm 130 hộ nghèo).

Để đạt mục tiêu đề ra, Đảng ủy, UBND xã Hồng Bắc và hệ thống chính trị của xã cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 155 nhà ở cho người dân; chuyển đổi nghề cho 24 hộ; hỗ trợ bò sinh sản cho 10 hộ, gia cầm cho 28 hộ. Nay, xã đã bố trí kinh phí xây dựng, sửa chữa 37 nhà ở cho người dân từ các nguồn kinh phí.

Ở Hồng Bắc, nuôi lợn mán thả vườn đang là mô hình mới bước đầu mang lại giá trị kinh tế và là xã đầu tiên của huyện A Lưới đưa mô hình này vào thử nghiệm. Theo kế hoạch, sâm bố chính và cà gai leo là 2 loại cây trồng mới cũng sẽ được sở, ngành của tỉnh đưa vào canh tác trên đồng ruộng xã Hồng Bắc trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm 2024, Hồng Bắc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề cấp đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững, tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, điều mà Đảng ủy, UBND xã Hồng Bắc trăn trở lớn nhất hiện nay là, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn xã cao; cán bộ tiếp cận các văn bản còn lúng túng.

Do kiêm nhiệm nhiều việc, nên triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ còn chậm. Cán bộ văn phòng cấp ủy khối lượng công việc nhiều, không chuyên trách. Hồng Bắc là địa phương trồng nhiều chuối cho giá trị kinh tế cao, nhưng nay giá cả thấp, gây khó khăn cho người trồng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy; xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là những vấn đề đặt ra đối với Đảng ủy, UBND và hệ thống chính trị xã Hồng Bắc nói riêng và huyện A Lưới nói chung.

Bà Hồ Thị Thanh Nhàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc phát biểu tại buổi làm việc

Vì vậy, Hồng Bắc cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa; góp phần quan trọng đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo cả nước, đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý tại buổi làm việc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, cán bộ, lãnh đạo của xã không thay đổi tư duy nhận thức trong hành động thì khó để có sự đổi thay. Hồng Bắc là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, với nhiều mô hình mới. Tuy nhiên, hộ nghèo của xã còn quá lớn. Làm sao thoát nghèo, đó là phải tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Tư tưởng trồng chờ, ỷ lại trong ý thức của người dân còn quá lớn. Nếu không bỏ tư tưởng này thì, các hộ gia đình ở Hồng Bắc khó để thoát nghèo.

Cấp ủy, chính quyền, bí thư, trưởng các thôn, bản ở Hồng Bắc cần phát huy, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện; nhân rộng mô hình cây trồng, vật nuôi mới, cây trồng chủ lực để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đội ngũ cấp ủy, bí thư cơ sở không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm, vì người dân phục vụ; lấy nhu cầu của người dân để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo.

Trước mắt, ưu tiên tập trung cho các mô hình thu nhập ngắn ngày; nếu không có ý chí thì việc khó sẽ khó mãi và không có lời giải. Những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của xã Hồng Bắc, huyện A Lưới cần chỉ đạo xã để khai thác hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và nguồn lực đã đặt ra. Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ cho xã Hồng Bắc phát triển hơn nữa mô hình lợn mán. Sau khi ổn định mô hình cần phát triển, nhân rộng ra cho các xã trong toàn huyện.

A Lưới được Tập đoàn Philip Morris (Hoa Kỳ) và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ 100 con bò/100 hộ gia đình trong chương trình “Ngân hàng bò” giai đoạn 2015 – 2022. Từ 100 con bò, nay đàn bò trong chương trình đã tăng lên 196 con; nâng tổng số đàn bò của huyện lên 7.000 con. Từ đàn bò của chương trình đã giúp 13 hộ nghèo trên địa bàn huyện A Lưới thoát nghèo (theo chuẩn mới).

Tiếp tục phát triển “Ngân hàng bò” để giảm nghèo

Cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và đoàn công tác của Tỉnh ủy, huyện A Lưới cũng đã làm việc với xã Trung Sơn. Bên cạnh chỉ đạo công tác lãnh, chỉ đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ yêu cầu, các sở, ban, ngành của tỉnh mở rộng, phát triển “Ngân hàng bò” tại xã để tạo công ăn việc làm, xóa nghèo bền vững. Vấn đề đặt ra là, phải thay đổi tư duy, cách quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong triển khai, chỉ đạo thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh: Anh Phong

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …