Không gian trưng bày về vua Hàm Nghi thu hút sự quan tâm của công chúng
Di sản của vua Hàm Nghi
Không gian trưng bày giới thiệu những thông tin quan trọng về cuộc đời của vua Hàm Nghi qua những dấu mốc thời gian từ khi lên ngôi, xa giá xuất bôn ra Tân Sở (Quảng Trị) kháng chiến, xuống dụ Cần Vương kêu gọi Nhân dân chống Pháp rồi bị bắt, bị đưa đi lưu đày…
Công chúng được hiểu thêm về những hoạt động của vua Hàm Nghi trong khoảng thời gian bị lưu đày tại Alger (thủ đô Algérie), những bức ảnh của ông nơi đất khách quê người, bức chân dung tự họa và cả những bức tranh giá trị do nhà vua sáng tác.
Ai cũng biết vua Hàm Nghi là vị vua yêu nước, nhưng không phải ai cũng biết ông còn là nghệ sĩ. Trong không gian này, lần đầu tiên, công chúng được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh do vua Hàm Nghi sáng tác. 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng, đặc biệt là bức tranh gốc của vua Hàm Nghi do một hậu duệ hiến tặng đã mang đến cho công chúng góc nhìn khác về vị vua yêu nước.
Qua các tác phẩm, có thể thấy vua Hàm Nghi tiếp cận với phong cách hội họa phương Tây từ rất sớm. Những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên hữu tình của một đất nước xa xôi nhưng mang sắc thái phương Đông đậm nét, chứa đựng tình cảm, nỗi niềm hoài nhớ quê hương nước Việt ngàn dặm xa cách.
Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, vua Hàm Nghi đã khai phá con đường nghệ thuật qua vẽ tranh, nặn tượng và sau đó dành trọn thời gian cho nghệ thuật. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ta thêm tự hào có một vị hoàng đế yêu nước và là một họa sĩ thực thụ.
Người xem còn được nhìn thấy vật dụng gắn bó với đời sống thường nhật của vua Hàm Nghi – ống điếu do hậu huệ đời thứ 5 của nhà vua, TS. Amandine Dabat hiến tặng. Đây là ống điếu bằng gỗ khảm xà cừ, được chế tác tại Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Trên ống điếu còn có bài thơ chữ Hán cẩn xà cừ: “Tể tướng điều canh thủ / Tướng quân hữu khát tâm / Mai hoa tu đắc đáo / Hoàng Hạc hữu tri âm”.
TS. Amandine Dabat cho biết: “Tiên đế của tôi đã mang theo ống điếu này khi lưu đày ở Algérie. Nó được dùng để hút thuốc gửi từ Việt Nam sang trong thời gian sống lưu đày”.
Kết nối với hậu duệ cựu hoàng
Hình thành được không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” là nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc kết nối sưu tầm tư liệu về vua Hàm Nghi. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau khi biết thông tin về triển lãm của vua Hàm Nghi tại thành phố Nice, trung tâm đã kết nối và sang làm việc tại Pháp nhằm tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi kết hợp tìm kiếm các nguồn tư liệu lịch sử liên quan đến triều Nguyễn.
“Chúng tôi có cơ duyên gặp gỡ, hợp tác và làm việc với TS. Amandine Dabat, nhà nghiên cứu trẻ, chắt ngoại của vua Hàm Nghi. Cô rất tâm huyết và hỗ trợ chúng tôi trong việc thu thập các dữ liệu quan trọng về vua Hàm Nghi, đồng ý cho phép Trung tâm sử dụng bản sao điện tử (có bản quyền) của 31 tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chuyển giao các tài liệu liên quan đến cuộc đời của vua Hàm Nghi, các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu sách, dữ liệu điện tử. Đây là những cứ liệu vô cùng quý giá để hình thành nên không gian trưng bày này”, ông Hoàng Việt Trung nói.
Đứng trong không gian trưng bày về tiên đế của mình, TS. Amandine Dabat xúc động: “Tôi rất hạnh phúc và vinh dự khi được tham dự sự kiện này. Sự hợp tác trong thời gian ngắn đã mang lại kết quả tốt. Đây là lần đầu tiên tổ chức triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi tại Huế, đất mẹ nơi nhà vua sinh ra. Vua Hàm Nghi vô cùng yêu đất nước Việt Nam, hẳn ông vô cùng hạnh phúc và hài lòng khi một phần di sản của ông đã trở về với quê hương”.
Ngoài những tư liệu, hiện vật, tác phẩm hiện có, không gian trưng bày về vua Hàm Nghi sẽ được bổ sung thêm hiện vật trong tương lai. TS. Amandine Dabat chia sẻ: “Tôi muốn trong thời gian tới sẽ chuyển giao cho phía Việt Nam càng nhiều tác phẩm nghệ thuật, vật dụng, những gì liên quan đến đời sống của vua Hàm Nghi, sự quan tâm của vua Hàm Nghi đối với Việt Nam. Đây là công việc đòi hỏi thời gian. Mong muốn nhất của tôi là đưa được thi hài của vua Hàm Nghi về bên cạnh cha của ông, đó là ước nguyện cuối cùng của vua Hàm Nghi trước khi mất, cũng là dự án lớn nhất của đời tôi mà tôi mong sẽ thực hiện được”.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với TS. Amandine Dabat để chia sẻ và tiếp nhận lưu trữ nhiều dữ liệu gốc, dữ liệu điện tử quan trọng liên quan đến vua Hàm Nghi. “Chúng tôi mong có sự gắn bó mật thiết giữa gia đình hậu duệ của vua Hàm Nghi đối với đất nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Hy vọng trong tương lai, nguyện ước của vua Hàm Nghi được an táng bên cạnh lăng của Kiên Thái Vương trong khuôn viên lăng vua Đồng Khánh sẽ thành hiện thực”, ông Hoàng Việt Trung nói.
Bài, ảnh: Minh Hiền