Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Ảnh: xaydungdang.org.vn
1. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã từng nghe lùm xùm ở nơi này, nơi khác về những trường hợp đưa “người nhà”, “người thân”, “ê kíp” nắm các vị trí chủ chốt ở từng cơ quan, địa phương. Tình trạng cục bộ trong quy hoạch, bổ nhiệm người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các chức vụ có nhiều “màu” hoặc có tương lai. Tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ” bị dư luận lên án vẫn còn là hiện tượng không lành mạnh trong công tác cán bộ. Những biểu hiện “chạy chức, chạy quyền” chưa thể xóa bỏ được triệt để đang là vấn đề nhức nhối cần phải loại bỏ.
Luân chuyển, điều động lại là dịp tốt để bổ nhiệm cán bộ quy hoạch thay thế gánh vác nhiệm vụ ở đơn vị sở tại. Thế nhưng công tác này đang bị lợi dụng để “đẩy” đi và thay người mới với động cơ cá nhân. Người không cùng ê kíp, không hợp “gu”, “cản mũi kỳ đà”, không “cùng hội, cùng thuyền” thì điều đi vừa được tiếng “ưu ái”, “ưu tiên”, vừa bớt được gánh nặng phải dè chừng, đối phó. Với công tác sắp xếp lại tổ chức như vậy đạt được ý đồ có lợi, “một công đôi việc”. Chỗ trống sẽ được hợp lý hóa bằng bổ nhiệm người đã được chuẩn bị sẵn thay thế. Nhìn vào vẫn thấy đảm bảo “đúng quy trình”, có chăng chỉ là thay người này bằng người khác. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều cơ quan, địa phương và cũng là một trong những tồn tại cần phải loại bỏ.
Một trong những tồn tại, kẽ hở của điều động và bổ nhiệm mới là quy định chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cá nhân áp đặt hoặc độc đoán bổ nhiệm người thay thế không đúng quy định. Nguyên nhân trước hết là tập thể cấp ủy thiếu lập trường, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đứng đầu. Khi đặt vấn đề về điều động một cán bộ nào đó đi lên hoặc đi nơi khác không ai cho đó là ý đồ xấu, khó có lý do phản biện. Có những trường hợp dù biết không đủ tiêu chuẩn nhưng không dám đấu tranh, phản biện, bảo vệ cán bộ và lẽ phải. Từ đây phát sinh những biểu hiện tiêu cực khi lấy phiếu tín nhiệm hoặc tạo nên dư luận không lành mạnh trong quần chúng ở từng cơ quan. Cơ chế đánh giá cán bộ dù có quy định nhưng còn nặng cảm tính hơn định lượng, tạo ra kẽ hở khi nhận xét, đánh giá đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm mới. Nhận xét chung chung theo ý chí chủ quan của người có trách nhiệm đã hướng lái cho người được đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm mới có điều kiện “không thể tốt hơn”. Bên cạnh đó, cấp trên cao hơn “gửi gắm” hoặc định hướng trước cũng là một trong những nguyên nhân làm sai lệch về những người được bổ nhiệm mới. Những tồn tại do chủ quan hay khách quan đã vô tình làm sai lệch chủ trương luân chuyển, bổ nhiệm, làm giảm chất lượng cán bộ.
2. Luân chuyển, điều động cán bộ không phải là chủ trương mới và đã được nêu ra từ Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25/1/2002 về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Đến nhiệm kỳ khóa XII Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 29/5/ 2018 “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Luân chuyển cán bộ trẻ, có đủ phẩm chất, năng lực để rèn luyện, thử thách; bố trí lãnh đạo không phải người địa phương. Cùng với đó, áp dụng Luật Công chức, Luật Phòng chống tham nhũng trong luân chuyển, biệt phái, điều động lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, chính quyền và doanh nghiệp Nhà nước.
Luân chuyển hay điều động cán bộ đang phát huy tác dụng, hỗ trợ tích cực công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mục tiêu cao nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phần lớn những cán bộ được điều động, luân chuyển đã phát huy tư duy và trách nhiệm, tạo luồng sinh khí mới cho địa phương, cơ quan nơi đến. Cán bộ mới bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm kế cận phấn đấu xứng đáng với tín nhiệm của cấp trên, từng bước kế thừa và phát huy năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những người được quy hoạch, bổ nhiệm thay thế đều xứng đáng và không phải là người “đóng thế”. Những nhân tố đó đánh giá khách quan chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng là đúng đắn và là yêu cầu không thể thiếu.
Để tiếp tục phát huy đúng thì quan trọng nhất là tổ chức cấp ủy, người đứng đầu thực sự công tâm, khách quan, vì lợi ích chung trong bổ nhiệm cán bộ mới. Không vì cục bộ, quan hệ thân hữu, thiếu tầm nhìn khi chọn những người không đủ “tâm” và “tầm”, nhất là các vị trí chủ chốt. Thực hiện đúng quy trình; đồng thời phải công khai, minh bạch trong lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm. Mỗi chức danh cần có đủ số dư cần thiết khi giới thiệu, sàng lọc từ nhiều nguồn để chọn ra những người có năng lực, đạo đức và tín nhiệm cao. Cơ chế cấp ủy lãnh đạo toàn diện không cho phép can thiệp hoặc độc đoán đưa người vào vì động cơ cá nhân.
Mặc dù hiện nay người đứng đầu được giới thiệu bổ nhiệm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình nhưng thực tế không tránh khỏi phiến diện, chủ quan. Những bất cập, tồn tại được nêu trên chính là cơ chế cần được bổ sung, hoàn thiện về bổ nhiệm mới chặt chẽ hơn. Công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, cán bộ không chỉ dựa vào hồ sơ quy trình, tiêu chuẩn mà cần đi sâu vào nắm tình hình trong đảng viên, quần chúng. Họ chính là những người nắm rõ nhất, phản ánh đúng thực chất về cán bộ và thực trạng nội bộ từng cơ quan.
Sẽ không có gì phải bàn nếu luân chuyển, điều động không bị lợi dụng vì động cơ cá nhân làm méo mó; nếu không được kiểm soát, chấn chỉnh thấu đáo sẽ gây nguy hại cho công tác xây dựng Đảng về cán bộ lâu dài.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH