Trong 10 năm qua, hơn 1 triệu lượt lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm cho 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm; thu nhập của người làm việc ở nước ngoài bình quân trên 200 triệu đồng/năm; bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 10 tỷ USD… Đó là những con số biết nói, đầy sức thuyết phục về hiệu quả của xuất khẩu lao động, được báo cáo tại hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài”, ngày 25/8.
Việc làm và thu nhập luôn là mối quan tâm của người lao động. Ngành học nào có cơ hội tìm được việc làm thuận lợi, thu nhập ổn định chắc chắn sẽ thu hút được người học. Đó là sự điều tiết của thị trường lao động. Ngay cả việc phân luồng đào tạo, con đường đại học hiện nay đã không còn là duy nhất. Con số có trên 325 nghìn thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh đại học năm học 2022-2023 vào hạn chót (chiếm 34,6% trong tổng số thí sinh có mong muốn lựa chọn đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông), đã phần nào phản ánh xu hướng chọn học nghề để nhanh chóng tham gia thị trường lao động.
Sự chuyển hướng này là một điều tích cực, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, vừa được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 157/KH-UBND, phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 55-58%; thu hút 40 – 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo nghề là bước chuẩn bị đầu tiên cho người lao động tham gia vào thị trường lao động. Khi có nghề trong tay, người lao động không chỉ có nhiều cơ hội tìm việc làm trong nước, mà còn có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động nước ngoài và xuất khẩu lao động được đánh giá mang lại lợi ích kép.
Trước hết, với mức thu nhập cao hơn nhiều so với cùng ngành nghề trong nước, người lao động giúp đỡ gia đình thoát khỏi khó khăn trước mắt. Thực tế, mỗi gia đình chỉ cần có 1 người đi xuất khẩu lao động thì đã có thể thoát nghèo. Với nguồn tiền gửi về, gia đình có cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế.
Một lợi ích nữa, trong quá trình đi lao động ở nước ngoài, người lao động còn học được ngoại ngữ, tác phong sản xuất công nghiệp, kinh nghiệm nghề nghiệp. Với “vốn liếng” này, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ mở rộng cửa để đón lực lượng lao động này, bởi họ có ngay đội ngũ lao động lành nghề, quen việc. Đây cũng là một trong yếu tố tăng hấp dẫn trong kêu gọi nguồn vốn FDI đầu tư vào nước ta.
Ngay cả trường hợp không tham gia làm việc trong các doanh nghiệp, với vốn kiến thức học hỏi được người lao động có thể vận dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ngay tại quê hương mình mang lại hiệu quả cao hơn.
Lợi ích đã rõ, nhưng số người tham gia xuất khẩu lao động hiện vẫn còn khiêm tốn, bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, cần xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và có rất nhiều việc phải làm. Đó là đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền để thay đổi và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân; giúp người lao động tự tin, mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, làm tốt việc kết nối giữa đào tạo, tuyển dụng và đưa lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài để ngươi lao động dễ dàng tiếp cận và an toàn khi đi làm việc ở nước ngoài…
Hoàng Minh