Khoảng cách vô hình

Ông đang dựa ngửa trên ghế xếp, nhâm nhi cà phê và lướt mạng xã hội thì thằng con chạy tới, cúi xuống thầm thì: “Ba ơi, có một ông lạ hoắc, mặc áo lót trắng chui vô vườn mình, khả nghi lắm!”. Ông ngước lên, há hốc. Thằng con lặp lại điều vừa nói, vẻ nghiêm trọng trong đôi mắt chớp chớp cùng giọng rối rít như chập vào nhau. Đáp lại là lời bâng quơ: “Làm gì có ông lạ hoắc nào?”. Vừa nói ông vừa bước lại bên cửa sổ, vén rèm ngó ra mảnh đất người ta chưa làm nhà, được ông biến thành vườn rau. Nhìn thoáng qua rồi ba quay sang con, ngạc nhiên: “Con không biết người ấy sao?”. Con căng mắt, lom lom ngó lúc lâu rồi lắc đầu, vẻ hoang mang. Ba cũng lắc đầu, thất vọng: “Bác Năm Hòa ở cách mình ba nhà mà con cũng không biết, tệ thiệt! Bác ấy sang hái lá mơ chữa bệnh đường ruột đấy”.

Hôm thành phố phong tỏa chống dịch, ông lại bất ngờ về con. Chính quyền yêu cầu “ở đâu ở yên đấy” nhưng con ông vận chuyển hàng hóa thiết yếu nên được đi lại. Ông bảo nó đem nải chuối mật ra cúng cụ Bảy Chất vừa mất ở đầu phố. Con không biết nhà người xấu số nên hỏi đi hỏi lại khiến ba nổi cáu: “Ở cách nhau mấy bước mà cứ như người xa lạ!”. Con cố vớt vát nhưng càng lộ sự hững hờ với xung quanh: “Bữa trước con thấy chỗ đó treo cờ tang nhưng không biết ai mất”. Ông nhìn con, cười buồn.

Đến bạn của ba hay đến chơi nhà mà con cứ chào lộn chú Thanh với bác Cảnh, chú Hoàn với bác Toản. Chỉ ngẩng mặt lên chào rồi lại cúi xuống điện thoại thì nhớ sao được, có khi miệng chào như quán tính nhưng đầu óc đắm chìm trong thế giới ảo. Cả khoảng cách giữa ba mẹ và con cũng đang âm thầm giãn ra. Con có thể mải mê cùng máy tính hay điện thoại, quên ăn nhưng trò chuyện với ba thì thoáng qua, nhát gừng. Con có thể kết bạn đông tây nhưng người ở ngay cạnh, thì đấy, cứ như kẻ lạ. Kéo theo đó, ông thấy việc giao tiếp của con cũng cứng nhắc, vụng về.

Không cứ bọn trẻ, người lớn cũng đang tương tự. Thời đi cà phê để đàm đạo đang xưa dần. Giờ vào quán, mỗi người một điện thoại, thả hồn đâu đâu, lâu lâu quay qua hỏi vài câu cho phải phép nhưng mắt vẫn dán vào màn hình. Bạn thân rủ đi uống nước nhưng nhiều khi ngồi bên nhau lạnh tanh như kẻ lạ. Hình ảnh một người một bàn ngồi trong quán cả buổi với điện thoại đã quá quen. Lắm người muốn tách khỏi xung quanh bằng cách nhét earphone vào tai, thỏa thích với cõi riêng giữa chốn đông người. Vậy nên, có cuộc nhậu đã cách ly công cụ gây phân tán bằng cách dồn điện thoại vào cái rổ để giữa bàn. Vợ chồng trên giường ngủ, còn xoay lưng vào nhau, mỗi người dõi theo sở thích riêng trên thế giới ảo. Khuya, chồng (hay vợ) còn tranh thủ lên “phây” đếm “lai” rồi lướt một lúc, khiến người kia cau có bởi âm thanh đâu đó chợt vang lên.

Ông khởi đầu chậm chạp, từng bước mon men làm quen mạng xã hội. Vợ con xui “tương tác hay lắm”, càng kích thích ông đến nhanh với không gian ảo. Qua rồi những lúc lò dò thao tác hay căng mắt gõ từng chữ để nhắn tin, giờ ông tự mình kết nối xa gần, chẳng cần con trợ giúp. Cứ ngồi với chiếc điện thoại, ông như quên thời gian, quên luôn những việc khác; trước khi ngủ cũng lướt mạng một lúc; mở mắt chào ngày mới, đã vớ ngay điện thoại.

Dần dà ông thấy thì giờ dành cho thế giới ảo dài ra, kéo theo những lúc dành cho người thân ngắn lại. Cái điện thoại như vật bất ly thân từ phòng ăn đến giường ngủ, vào cả toilet. Nó như chen vô giữa những thành viên trong nhà, đẩy từng cá nhân ra xa và tiếng nói tiếng cười dần thưa vắng. Đến trông cháu, ông cũng bật ti-vi cho trẻ mải mê phim hoạt hình để già cắm cúi vào điện thoại.

Tự mình nhưng lắm lúc ông ngỡ như có ai hối thúc sau lưng, cứ mong chóng xong việc nhà để nhanh nhanh ngồi trước máy tính hay cầm ngay điện thoại. Đã một thời, giàn phong lan trước sân cuốn hút ông nhưng từ ngày gia chủ có đam mê mới, những nghinh xuân, thủy tiên dần trở nên “đột biến” héo tàn. Cả vườn rau từng đem cho quanh xóm, giờ cỏ lấn lướt xanh um; rau còi cọc, lụi dần. Chẳng biết từ khi nào, ông đâm ngại việc chân tay, đến cầm cái cuốc, cái chổi cũng gắng gượng.

Giờ thì ông không còn trách con trai cắm đầu vào điện thoại, máy tính. “Đến già còn mê huống chi trẻ”. Ý nghĩ ấy thoáng cho ông bình tâm nhưng rồi nỗi lo dai dẳng lại ùa về. Thằng con cứ chúi vào thế giới ảo đến người ở gần từ trần không hay, đến người quen tưởng kẻ trộm lẻn vô vườn thì không thể coi bình thường. Khoảng cách giữa nó với người xung quanh cứ dài ra thì hậu quả chắc không còn xa.

Và cả ông nữa, cứ đắm vào không gian ảo đến hững hờ với thực tại thì chẳng phải đang tự đánh mất nhiều thứ, đó sao? Ông chợt nhận ra, mình đang lệ thuộc quá nhiều phương tiện kết nối kỳ diệu do công nghệ thông tin đem lại.

Nghỉ hưu, ông thường về quê, cùng chị chăm cha mẹ. Người thân và lễ hội, mảnh vườn rộng cùng chốn quê yên bình, với cây trái miên man, với vịt gà cả đàn, với thú vui câu cá… lấp dần khoảng trống trong ông. Lũy tre cùng dòng sông uốn quanh làng khiến nơi đây có vẻ khép kín nhưng lòng người như thông nhau. Người ta biết chuyện trong buồng trong bếp của nhau, có thể ngồi cùng hàng xóm cả buổi vẫn không hết chuyện. Tình làng nghĩa xóm đã qua thời “ngủ đông” trong ông, bỗng lay động, thao thức.

Rảnh rỗi, ông năng gặp gỡ, giao lưu. Từ hội ngộ bạn học phổ thông đến tụ tập cùng bạn học sĩ quan; ngồi với nhau ôn nghèo kể khổ cùng đám bạn chăn trâu cắt cỏ, lại tay bắt mặt mừng đồng liêu thời đương chức, rồi các đám hiếu hỷ. Gặp nhau phải có chút men say mới thêm phần sinh động. Ngặt là giờ chạy xe trong hơi bia rượu, bị phạt trắng mắt nên ai cũng chờn. Ông gợi ý con đưa đón ba chu du đây đó, nó cười tươi tán đồng. Được cái, giỗ chạp hay giao lưu thường tổ chức ngày nghỉ nên không ảnh hưởng việc làm của con.

Trong khi cha chú bát ngát chuyện trò, nâng ly tùy thích thì con chỉ lon nước ngọt và cầm đũa; xong bữa, lại tìm chỗ vắng hay ngã ghế ô-tô nằm chờ. Mắt lim dim hay chăm chú vuốt điện thoại nhưng con vẫn hóng chuyện của bề trên. Có những điều ba tưởng đương nhiên nhưng với con là phát hiện thú vị. Lúc cha con vi vu trở về, nó thường san sẻ, vẻ như khen: “Bác gì thiếu tướng cứ ôm lấy ông bạn già nông dân, “mày tao” luôn mồm, trông chẳng có khoảng cách nào, hay thiệt!”. Hoặc: “Đã mấy chục năm mà bạn của ba vẫn gắn bó như mới ra trường”. Con hỏi chuyện xưa; ba trải lòng về những ân tình, về những người bạn tuy xa mà gần. Hạ hồi, người nghe xuýt xoa đồng cảm: “Tình nghĩa tuyệt vời quá, ba ạ!”.

Ngày giỗ tộc, ông lần giở gia phả tổ tiên để lại, rưng rưng hoài cảm người xưa. Nhìn chữ Nho đã mờ, giấy dó đã mủn, cả những sắc phong của vua cũng không còn nguyên vẹn, ông xót xa. Dấu xưa còn lại cho kẻ hậu sinh cảm thấy gần hơn với tiền nhân nhưng rồi lại thấy cách ngăn khi chẳng hiểu chữ nghĩa được các thế hệ trao truyền gìn giữ, cả trong lửa đạn chiến tranh.

Sẵn chút khiếu viết lách, ông thưa hội đồng gia tộc xin được photo gia phả đem ra Huế nhờ biên dịch và sưu tầm tư liệu, bổ sung lịch sử dòng họ. Hơn cả đồng ý là sự động viên, khích lệ của bà con khiến ông càng gắng sức. Ông đến từng nhà lần hỏi, ghi chép rồi lắp ghép lại trên máy tính. Gần ba tháng miệt mài, với bao cuộc gọi, với nhiều lần gặp gỡ, ông đã hoàn thành việc kết nối các thế hệ gia tộc từ quá khứ đến hiện tại, để lại cho mai sau. Ông vui đến mất ngủ khi cảm thấy khoảng cách với tổ tiên được rút ngắn.

Con thường đứng sau, nhìn ba thao tác trên máy, luôn mồm hỏi về cội nguồn, truyền thống dòng họ. Khi nâng niu cuốn gia phả đã hoàn thành, nó xem đi xem lại; lúc lâu mới ngước nhìn ba, thăm dò như khẳng định: “Căn cứ vào bản viết của ba, con sẽ vẽ sơ đồ phổ hệ trên máy tính, để dễ nhận biết từng đời của gia tộc, ba ạ”.

Ông nhìn con mỉm cười, vui khi thấy nó nghĩ đến cả những người thân chưa một lần biết mặt.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …