Khai thác tối đa thị trường nội địa

Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2022 đã chính thức khởi động ngày 15/11 và sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Chương trình không chỉ nhằm tạo ra một mùa mua sắm đặc biệt trong năm với hàng loạt khuyến mại, giảm giá lên đến 100% trên các kênh thương mại điện tử, ví điện tử, hệ thống các siêu thị bán lẻ, mà còn giúp khai thác tối đa thị trường nội địa, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.

Khuyến mại, giảm giá, kích thích tiêu dùng là hoạt động không mới, thường được các doanh nghiệp, nhà sản xuất, ngành hàng, địa phương tổ chức vào dịp cuối năm hay kết hợp với các sự kiện, hay khi cần giải phóng hàng tồn kho… Nhưng từ năm 2020, hoạt động này đã được nâng tầm thành hoạt động của quốc gia, tổ chức đồng loạt trên quy mô toàn quốc.

Theo thông tin tại buổi họp báo công bố Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2022 – Vietnam Grand Sale 2022, do Bộ Công thương tổ chức, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam chủ động thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến mại phù hợp nhằm kích cầu tiêu dùng. Không chỉ giảm giá 30 – 50% như thông thường, mà mức khuyến mại tối đa các doanh nghiệp lên tới 100%. Dự kiến, sẽ có gần 100 nghìn chương trình khuyến mại, gấp đôi so với năm ngoái. Các sản phẩm, mặt hàng được khuyến mại mạnh như thực phẩm, đồ gia dụng, điện, điện tử, dịch vụ du lịch, giải trí, lưu trú… Bên cạnh các kênh thương mại truyền thống, bán trực tiếp thì kênh thương mại điện tử, ví điện tử cũng được đẩy mạnh, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, góp phần giảm sử dụng tiền mặt.

Điều này không chỉ cho thấy sức hấp dẫn, lan tỏa của chương trình, mà còn vô cùng có ý nghĩa trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và khai thác tối đa thị trường nội địa. Chúng ta rất mừng và tự hào khi vào các siêu thị ở Thừa Thiên Huế như Co.opmart, Go! Huế, Vincom, hàng Việt chiếm hầu hết các gian hàng, với đủ các chủng loại từ áo quần, giày dép, mỹ phẩm đến hàng thực phẩm đóng hộp, tươi sống.

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải giảm giờ làm, giãn lao động do thiếu đơn hàng. Không bị tác động mạnh như các doanh nghiệp ở phía nam, nhưng một số doanh nghiệp may, sản xuất đồ gỗ ở Thừa Thiên Huế cũng đang đối diện với khó khăn này. Đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa sẽ là điểm tựa giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trước mắt, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế, không phải mặt hàng xuất khẩu nào cũng có thể phù hợp với thị trường nội địa và không phải doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang thị trường nội địa là làm được ngay. Tuy nhiên, với thị trường nội địa trên 100 triệu dân, có mức chi tiêu ngày càng cao thì đây cũng là mảnh đất giàu tiềm năng các doanh nghiệp nội địa cần nhắm đến trong quá trình định hình thị trường, xác định đối tượng khách hàng và cơ cấu sản phẩm phù hợp.

Trên bình diện khác, tháng khuyến mại tập trung quốc gia không chỉ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, mà còn góp phần kích cầu du lịch, thu hút khách nước ngoài đến du lịch kết hợp mua sắm. Điều này chúng ta có thể thấy “hiệu ứng” từ ngày hội mua sắm Black Friday (thứ sáu đen tối) ở Mỹ; hay khách Việt bay sang Sigapore, Thái Lan để chờ mua iphone đời mới nhất…

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, người dân cần cùng phối hợp giám sát, kiểm tra hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay các chiêu trò lừa dối người tiêu dùng.

Hoàng Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …