Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng đưa, nhận và môi giới hối lộ có liên quan Trần Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Đây là vụ án hối lộ có trị giá lớn (hơn 2,6 triệu USD) do Quân nhờ “chạy án” để không bị truy tố về tội vi phạm trong đấu thầu. Đó chỉ là một trong những vụ án có số tiền hối lộ lớn được đưa ra truy tố. Trước đó, những vụ án liên quan đến nhận hối lộ giữa Tập đoàn Mobifont và AVG, vụ án Nguyễn Duy Linh (cựu Tổng Cục phó, Bộ Công an, nhận hối lộ 5 tỷ đồng) là những vụ án có số tiền hối lộ lớn bị truy tố.
Trong nhiều vụ án liên quan đến nhóm tội tham nhũng, có nhiều tình tiết đưa và nhận hối lộ nhưng không được đưa ra truy tố. Vụ án liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng, Bộ Công an) tuy đã có lời khai của Phan Sào Nam chi hàng ngàn USD/tháng và nhiều quà cáp khác nhưng ông Vĩnh không thừa nhận. Tòa án tuyên có đủ căn cứ và sẽ được tách ra trong vụ án khác, nhưng đến nay đã qua 4 năm vẫn chưa thấy truy tố bổ sung.
Vụ án Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương vừa mới xét xử với trách nhiệm chủ mưu, số tiền Nhà nước bị thiệt hại lớn nhưng không thấy đề cập vật chất mà Nam được “hưởng lợi” từ phi vụ này? Các vụ đại án ở ngân hàng trong những năm qua dù số tiền thất thoát hàng ngàn tỷ do cố ý làm trái, nhưng cũng không được đề cập về hối lộ.
Lâu nay, người ta nói nhiều đến “chạy” với nhiều hình thức, nhưng khó phát hiện và xử lý người chạy và người được chạy. “Chạy” là nói theo cách dân gian, thực chất đó là hình thức đưa, nhận hối lộ. Câu hỏi đặt ra là “ai chạy”, “chạy ai” đang bỏ ngỏ trong nhiều vụ án dù đã có chứng cứ ban đầu. Hối lộ đều là hành vi của những người có chức vụ, hiểu biết pháp luật nên không dễ dàng “làm không” cho ai cái gì nếu không có những khoản “lại quả”, “phần trăm”, “hoa hồng”.
Vấn đề “chạy” đã và đang diễn ra ở nhiều nơi như là chuyện bình thường, ngay cả “cò” hay “chạy dịch vụ” đều là hình thức của hối lộ. Có tham nhũng vừa, tham nhũng vặt, nhưng có những vụ tham nhũng lớn, tiền được tính bằng va li như trong một vài vụ án. Phải xác định thực tế là đã có tham nhũng, cố ý làm trái để trục lợi thì không thể loại trừ nhận hối lộ. Người ta không dễ làm không cho ai khi phải hy sinh quyền lợi chính trị của mình, nếu không có động cơ thu lợi bất chính?
Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an Quận Tây Hồ (Hà Nội) mặc dù có đủ bằng chứng buộc tội nhận 110 triệu đồng, nhưng Lê kiên quyết phủ nhận. Cũng dễ hiểu khi “giao dịch” chỉ có 2 người thì đối tượng phủ nhận nếu không “bắt tận tay”. Người chạy và người nhận hối lộ không được điều tra đến nơi đến chốn vì những khó khăn về chứng cứ buộc tội. Vấn đề này đã làm cho nhận hối lộ dễ bị bỏ qua nếu không quyết tâm, kiên trì làm triệt để của cơ quan tố tụng.
Chương 23, Bộ luật Hình sự “Các tội phạm về chức vụ” quy định tội nhận hối lộ (điều 354), đưa hối lộ (điều 364), môi giới hối lộ (điều 365) đã nêu rõ yếu tố cấu thành. Luật quy định tội nhận hối lộ có nhiều khung hình phạt khác nhau, cao nhất đến chung thân hoặc tử hình nếu nhận từ 1 tỷ đồng trở lên.
Từ các hiện tượng hối lộ nhỏ, vặt đến các vụ án có giá trị lớn, nếu không được xử lý sẽ mất tính răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa. Phải xác định nhận hối lộ là một loại tội phạm khá phổ biến, là bản chất cốt lõi của tham nhũng, nếu không được ngăn chặn thì ngoài thất thoát tài sản Nhà nước còn làm hư hỏng cán bộ, mất uy tín của Đảng. Tính quyết định là phải thu thập đầy đủ chứng cứ, xác định tình tiết buộc tội không chỉ từ 1 phía mà được đánh giá logic, khách quan, đúng người, đúng tội. Những vụ án thiệt hại lớn cần được đánh giá động cơ cố ý phạm tội, không thể chỉ quy vào tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả”. Phát hiện, xử lý với tội liên quan đến hối lộ là khó, nhưng không có nghĩa là không làm được nếu các cơ quan chức năng quyết tâm, kiên trì, dù là án lớn hay nhỏ, dù đó là ai.
NGUYỄN AN HÒA