Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động sâu sắc, toàn diện mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế cũng có diện bao phủ rộng, từ mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch; triển khai lộ trình mở cửa; các chính bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; miễn, giảm thuế các loại… đến tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là triển khai ngay gói hỗ trợ, chậm nhất trong quý 1/2022 và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, phấn đấu ngay năm 2022 giải ngân 50% của gói hỗ trợ.
Riêng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác định doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề nhất định để được hỗ trợ. Trong đó, có nhóm doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi và nhóm doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển cho tương lai, như công nghệ thông tin, công nghệ số.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc xác định đối tượng doanh nghiệp, lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ như thế nào để tạo được cú hích thực sự trong phát triển kinh tế – xã hội, tránh lãnh phí nguồn lực hay trục lợi chính sách. Có ý kiến đề xuất, cần ưu tiên hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn có thể tạo sức lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp vệ tinh phát triển. Cũng có ý kiến đề xuất cần ưu tiên hỗ trợ phục hồi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây là lực lượng đông đảo, có đóng góp lớn trong tạo việc làm, thúc đẩy nền kinh tế. Những đề xuất trên đều có cơ sở, nhưng khi áp dụng cần sát với tình hình thực tế và định hướng ưu tiên phát triển của từng địa phương.
Với Thừa Thiên Huế, nhiều kế hoạch về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất cũng được UBND tỉnh ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục, mở rộng sản xuất, nhất là những ngành, lĩnh vực có nhiều thế mạnh của địa phương hoặc các lĩnh vực doanh nghiệp đang còn thiếu, yếu. Chẳng hạn, trong Kế hoạch 68/KH-UBND “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022”, tỉnh tập trung hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai để doanh nghiệp tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản trị, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh (tư vấn về chuyển đổi số); hỗ trợ đào tạo quản trị doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh nghiệp. Trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Hoặc, Kế hoạch 72-KH/UBND triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh, với kinh phí thực hiện 7,6 tỷ đồng, nhằm phát triển các công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 500 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững. Xây dựng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững thành công điển hình để lan tỏa, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững…
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, khả năng “hấp thụ”, biến các chính sách hỗ trợ thành nguồn lực phát triển của doanh nghiệp là vấn đề cần quan tâm. Đây là điều không ai có thể làm thay các doanh nghiệp. Sự năng động, sáng tạo, vượt khó và mạnh dạn đổi mới sáng tạo là chìa khóa thành công, góp phần vào sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế – xã hội của cả nước nói chung.
Hoàng Minh