Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Ảnh minh họa: TTXVN
1. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, khi bắt đầu có những nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam thì cũng xuất hiện các công ty ăn theo để hưởng lợi với tư cách nhà thầu, đại lý hay cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Sân sau nở rộ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề có làm ăn phát đạt, nhiều lợi nhuận. Nhiều năm gần đây, không chỉ là doanh nghiệp mà còn có thêm quan chức biến chất trong bộ máy Nhà nước đứng đằng sau. Ở đây, lẽ ra nguồn tài chính được đầu tư vào những dự án, công trình trọng điểm lại bị cắt xén, ưu ái cho công ty sân sau nhằm “góp vốn” và dễ dàng hơn trong ăn chia. Doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển thì càng xuất hiện nhiều “bóng dáng” quan chức ngấm ngầm ủng hộ, chi phối. Những thỏa thuận giữa đôi bên nhiều thuận lợi hơn: Quan chức dựa vào doanh nghiệp để làm giàu, doanh nghiệp dựa vào quan chức để nhận dự án, vốn và được “bảo kê”. Không phải ngẫu nhiên “sân sau” trở thành tiếng lóng, khẩu ngữ tiếng Việt được nhắc đến nhiều khi nói về phòng, chống tham nhũng.
Doanh nghiệp sân sau là một hình thức quan chức bộ máy Nhà nước “kinh doanh” thông qua “góp vốn” biến tướng, quan hệ chi phối, tác động, hỗ trợ, hưởng lợi nhuận thường xuyên hay từng phi vụ. Mức độ hưởng lợi phụ thuộc vào mức độ “gắn bó” với đối tác, tính chất và mức độ hỗ trợ trở lại của quan chức. Sân sau được hưởng ưu ái trong tiếp cận quy hoạch đất đai, dự án, ngân sách đầu tư, thuế và vô số những ưu đãi khác. Sân sau đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng, nắm giữ khối tài sản lớn của Nhà nước, xã hội: Quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư công; quản lý ngân sách, thuế, ngân hàng, bất động sản, tài nguyên, đất đai, xuất, nhập khẩu, giấy phép đầu tư… Và ngay cả trong tham mưu chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, quản lý tổ chức, biên chế, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý… Nói cách khác, sân sau thực chất là nơi sinh lời của nhóm lợi ích và có thể xem đó là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” như một vị cựu lãnh đạo của Văn phòng Quốc hội đã chỉ ra.
Vụ án Nguyễn Đức Chung với Công ty Nhật Cường (Hà Nội) được xem là điển hình. Dù không thừa nhận câu kết của bản thân, gia đình trong đầu tư vốn, nhưng Nguyễn Đức Chung đã “ưu ái” dành cho công ty này được trúng thầu toàn bộ phần mềm quản lý dịch vụ công, trong khi đã có doanh nghiệp khác trúng thầu đúng quy định. Không phải tự nhiên mà Phó Bí thư Thường trực, 2 Phó Chủ tịch ở TP. Hồ Chí Minh bị dính vào vòng lao lý nếu không ưu ái cho sân sau thao túng các khu đất vàng, dự án bất động sản với giá rẻ. Phan Văn Anh Vũ khó có thể thâu tóm các khu đất, nhà công sản ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nếu không có can thiệp của các cán bộ cấp tướng, 2 Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo của 2 thành phố. Không thể có “Công ty bình phong” của Phan Sào Nam trong vụ đánh bạc ngàn tỷ nếu không có “bảo kê” của 2 cựu tướng Vĩnh, tướng Hóa (Tổng cục Cảnh sát). Những ví dụ đó chưa phải là tất cả, mà chỉ mới là phần nào về thực trạng bắt tay nhau của những nhóm lợi ích. Các mối quan hệ thân hữu đó làm ăn chân chính thì ít, nhưng tàn phá đất nước thì khó đong đếm được.
Ngày 28/11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) trong Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước đã lên tiếng về thực trạng: “Có người không chỉ có 1, 2 sân sau mà có đến 14, 15 sân sau”. Như vậy, “sân sau” là địa chỉ làm ăn khuất tất, làm trái pháp luật, môi trường thuận lợi của tham nhũng, không thể để tồn tại kiểu làm ăn này.
Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ vấn nạn “sân sau”. Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về Những điều đảng viên không được làm đã cấm cán bộ, đảng viên: “Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi”. Quy định người đứng đầu và cấp phó trong cơ quan quản lý Nhà nước không góp vốn, kể cả vợ, con kinh doanh ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện quản lý Nhà nước. Vấn đề đặt ra không chỉ trong quan hệ gia đình mà còn các mối quan hệ xã hội khác rất khó xác định mức độ “thân hữu”, cần được quy định cụ thể hơn.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 12-KL/TW ngày 6/4/2022, nêu rõ: “Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực Nhà nước”. Như vậy, chống tham nhũng đã có chế tài từ trong lĩnh vực công, sang lĩnh vực tư, nhưng quan trọng nhất là phát hiện, ngăn chặn sự liên kết công – tư vì mục đích tham nhũng. Về lâu dài, phải triệt để cải cách cơ chế, phương thức vận hành đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong tất cả quy trình quản lý. Chúng ta có thể hạn chế tiêu cực, nhưng không thể khống chế hết những cái “bắt tay” sau “hậu trường” nếu quan chức không chấp hành quy định, cấp quản lý buông lỏng, thiếu quyết liệt.
NGUYỄN AN HÒA