Càng đến cuối năm, nhất là gần Tết Nguyên đán, thị trường càng sôi động. Đây là thời điểm được các nhà sản xuất, kinh doanh mong đợi nhất trong năm, nhưng cũng là thời điểm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng cấm diễn biến phức tạp.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, những ngày vừa qua các lực lượng chức năng cả nước liên tục phát hiện các vụ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng không có chứng từ nguồn gốc, như: rượu, áo quần, giày dép, hàng điện tử, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm bẩn… với con số lên đến hàng nghìn vụ. Trong đó, nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, hôi thối như chân gà, thịt và nội tạng động vật với trọng lượng lên đến hàng tấn. Nếu thực phẩm bẩn này trà trộn tiêu thụ tại các chợ, cửa hàng, quán ăn thì con số người vô tình bị đầu độc âm thầm lên đến hàng chục ngàn người.
Chưa hết, thực phẩm bẩn còn len lỏi, trà trộn vào các kênh mua bán hiện đại, như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi – những kênh tiêu thụ được người tiêu dùng tin cậy không chỉ bởi phương thức mua bán văn minh, hiện đại mà nguồn gốc sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản thực phẩm được kiểm soát tốt từ khâu sản xuất đến kiểm định chất lượng sản phẩm. Đây là thủ đoạn mới của gian thương vừa được lực lượng chức năng phát hiện ở TP. Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các kênh phân phối hiện đại, mà còn làm người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt và các kênh phân phối văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, các mặt hàng cấm như pháo nổ vẫn âm thầm len lỏi vượt biên giới thẩm lậu vào nước ta, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội và để lại hệ lụy lâu dài. Gần đây, liên tục xảy ra các vụ tai nạn do pháo nổ gây hậu quả thương tâm ở ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắc… Trong đó, một số thiếu niên đã thiệt mạng và nhiều trường hợp khác bị thương tật suốt đời do sử dụng, tự chế tạo pháo nổ.
Điều đáng nói, việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, buôn lậu hàng cấm, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, gian lận thương mại… không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, mà còn gây hỗn loạn thị trường, làm thiệt hại các nhà sản xuất chân chính, nhất là trong bối cảnh sản xuất đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động dịp cuối năm.
Với Thừa thiên Huế, nằm trên tuyến giao thương huyết mạch của cả nước từ Bắc vào Nam và cả nước bạn Lào, gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không nên tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn diễn biến phức tạp. Chỉ tính đến đầu tháng 12/2022, Cục QLTT tỉnh cùng lực lượng liên ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát và phát hiện 2.075 vụ, xử lý 1.746 vụ với số tiền hơn 17 tỷ đồng
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, cuối năm là cao điểm của sản xuất, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không có chứng từ, các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng… Điều này càng đòi hỏi các lực lượng chức năng nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các trường hợp vi phạm pháp luật.
Mới đây, ngày 21/12, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại & hàng giả tỉnh (BCĐ 389/TTH) đã ban hành Kế hoạch 204 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua cảng hàng không quốc tế, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng vẫn đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Hoàng Minh