Cô Hồ Thị Lý trở lại với công việc dạy học
Tôi biết cô Lý cách đây không lâu, khi tình cờ vào các trang facebook thấy công đoàn ngành giáo dục phát động giáo viên hỗ trợ Lý chữa bệnh, với mong muốn điều kỳ diệu sẽ đến với gia đình cô.
Sinh năm 1984, Lý quê ở Quảng Bình, dạy học tại Trường THPT Hương Giang (Nam Đông). Sóng gió bắt đầu ập đến gia đình Lý khi năm 2016, cô mắc căn bệnh hiếm gặp – Lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối gây biến chứng đa cơ quan, thận, xương, mắt, tóc và da. Cũng theo lời bác sĩ, hiện nay bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa.
Lý nhớ lại những triệu chứng xuất hiện trong thời gian khá dài. Mỗi lần trở trời các khớp xương đau nhức, rụng tóc, sút cân, có hai lần cô ngất đi vì thiếu máu. Hoàn cảnh Lý lúc đó quá khó khăn, khi chồng cô là giáo viên dạy ở Trường tiểu học Phú Lộc. Ông bà nội ngoại đều ở xa. Tạm gác ước mơ dạy học, cô xin nghỉ dạy để đi điều trị. Công đoàn nhà trường đã kịp thời động viên, thăm hỏi. Những tiết dạy của Lý được giáo viên tổ bộ môn san sẻ, gánh vác.
Sau gần một năm điều trị tại TP. Hồ Chí Minh, sức khỏe Lý dần ổn định, bác sĩ cho ra viện mặc dù vẫn phải dùng thuốc hằng ngày. Lúc đó, Công đoàn nhà trường lại giới thiệu cô đến với chương trình “Đồng hành cùng người thầy” giai đoạn 2018-2020. Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tạo điều kiện cho mượn 20 triệu đồng để chị có kinh phí tiếp tục chữa trị.
Đầu năm học 2018, nhờ tác động của Công đoàn, Lý nhận được quyết định chuyển công tác về Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc) theo nguyện vọng.
Vào những ngày cuối năm 2021, bệnh cũ tái phát, Lý lên cơn sốt rét, đau xương khớp không đi lại được. Chia sẻ với cô, Công đoàn Trường THPT An Lương Đông và Công đoàn Trường tiểu học thị trấn Phú Lộc đã kêu gọi hiến máu. Các thầy cô và mọi người luôn túc trực ngoài bệnh viện. “Lúc đó, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng giành giật sự sống từng giây, từng phút. Khát vọng được sống tiếp trỗi dậy, tôi lấy bệnh viện làm nhà, lấy xe lăn làm bạn đồng hành”, Lý xúc động kể.
Trớ trêu thay, bao nhiêu máu và tiểu cầu chuyền vào cơ thể Lý không đáp ứng được, cô rơi vào trạng thái loạn thần. Bệnh viện Trung ương Huế thông báo chuẩn bị 150 triệu để truyền thuốc thay tiểu cầu trong vòng 5 ngày, nếu không đáp ứng được thì đành chấp nhận số phận. Lúc đó, Công đoàn Trường THPT An Lương Đông một lần nữa lại tiếp thêm sức mạnh cho Lý. Công đoàn trường còn viết tờ trình, trình bày hoàn cảnh của cô, đề nghị cấp trên giúp đỡ.
LĐLĐ huyện Phú Lộc, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh và LĐLĐ tỉnh đã đến thăm hỏi, hỗ trợ Lý qua Chương trình “Điều ước đoàn viên”. Các cấp công đoàn còn kêu gọi sự ủng hộ của mạnh thường quân qua mạng xã hội Facebook. Lúc ấy, tôi vẫn còn nhớ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đã mong mọi người “Hãy giúp đỡ, hãy cứu lấy cô ấy khi còn sống”. Trong thời gian ngắn, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng đã được quyên góp, hỗ trợ Lý.
Kỳ diệu như trong cổ tích, sau hơn 8 tháng chống chọi với tử thần trong vòng tay ấm áp của công đoàn, Lý dần bình phục, ra viện và trở lại trường mặc dù vẫn phải tuân thủ theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Cô vẫn là “đứa con cưng” được ưu tiên nhất tổ, nhất trường về số tiết và thời khóa biểu. “Tôi lại có cơ hội được nhìn ánh bình minh mỗi ngày, được hít thở không khí trong lành, được vui đùa cùng con và cả những đêm miệt mài bên trang giáo án…Cảm xúc dồn nén bấy lâu đã vỡ òa thành những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, của lòng biết ơn”, Lý bộc bạch.
Qua bao lần sinh tử, Lý cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc. Trong mỗi bước đi của cô đều có dấu ấn của tổ chức Công đoàn chở che, nâng đỡ. Lý trở nên mạnh mẽ hơn và như đóa hướng dương luôn vươn mình về phía mặt trời. Cô đã truyền năng lượng tích cực đến học sinh với thông điệp “Cuộc sống luôn cho ta cơ hội thứ hai, đó là ngày mai”.
Bài, ảnh: Huế Thu