Gìn giữ và lan tỏa

Thêm một lần nữa, Rú Chá cùng với Cồn Tè được nhắc đến và lần này là một cuộc thi ảnh nghệ thuật, video clip với chủ đề “Rú Chá, Cồn Tè – sắc màu sông nước” do UBND TP. Huế phát động. Các tác phẩm dự thi được gợi ý xoay quanh các vấn đề về bảo vệ môi trường; đời sống cư dân của rừng ngập mặn… Các tác phẩm nghệ thuật đẹp được chọn để triển lãm, truyền thông và quảng bá 2 địa danh này.

Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm duy nhất còn sót lại trong hệ đầm phá Tam Giang. Từ xa, Rú Chá hiện lên như một ốc đảo vàng ươm giữa bốn bề nước non, ở giữa là cái tháp canh rừng lợp ngói đỏ cao đột khởi trên nền trời xanh biếc. Còn tuy được gọi với danh xưng Cồn, nhưng Cồn Tè hoàn toàn không phải dạng cồn đất tự nhiên, hình thành như đảo nhỏ tách biệt trên sông hay biển mà là một vùng đất ngập mặn trải dài. Cũng chẳng diễm lệ và nổi tiếng như nhiều cồn bãi, đầm phá khác ở ngoại vi Huế, cuốn hút rất riêng của Cồn Tè chính là ấn tượng nguyên sơ, chân phương mà vẫn rất đỗi thi vị.

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” của nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đến từ TP. Hồ Chí Minh xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi ảnh quốc tế Drone Photo Awards 2021. Tôi thích bức ảnh được tác giả Phạm Huy Trung chụp vào mùa đông tại rừng Rú Chá bao quanh phá Tam Giang này bởi phô bày được vẻ đẹp kỳ lạ và mang nhiều thông điệp có giá trị đến cho người xem. Góc chụp thẳng từ trên cao cho thấy hình ảnh ấn tượng của những cây chá trắng rụng hết lá, thân cành đan xen chằng chịt vào nhau trên mặt nước, làm nổi bật hình ảnh người lái thuyền đánh cá ở trung tâm.

Rú Chá luôn là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Q.T

Về Rú Chá, tôi nghe kể và cũng đã gặp gỡ đôi vợ chồng ôn Đáp – mệ Hồng được người đời gọi bằng cái tên trìu mến là “người giữ rú” hay là “Robinson xứ Huế”. Họ đã bỏ phố, về rừng và hàng chục năm nay sinh sống, giữ gìn và bảo vệ Rú Chá. Từ ngày có cặp vợ chồng này trông coi, Rú Chá ngày càng phát triển tốt và đẹp hẳn ra. Tôi cũng được biết, hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” có mô hình “Vì môi trường Rú Chá xanh – sạch – đẹp và không rác thải” của thanh niên xã Hương Phong. Đều đặn cuối tuần, hàng chục đoàn viên, thanh niên trong xã phối hợp với người dân tiến hành dọn rác ở Rú Chá và mặt nước đầm phá xung quanh.

Nhớ lại chuyện xưa được biết ở Rú Chá có một miếu cổ rất linh thiêng thờ Đức Thánh Mẫu. Chuyện rằng, thời vua Duy Tân, có một vị hoàng tử đi săn trong Rú Chá, thấy có con chim trắng đậu trên miếu nên đã giương súng bắn. Lạ một điều là bắn thế nào con chim cũng không chết, còn hoàng tử về tới hoàng cung thì bỗng lăn ra ốm thập tử nhất sinh. Vua Duy Tân đã đích thân đến miếu lập đàn khấn lạy cầu xin thì hoàng tử mới khỏi bệnh. Câu chuyện mang tính huyền bí nhưng lại như một lời nhắc nhở và tôi đã nghĩ rằng, cũng nhờ ý thức tôn trọng nơi tôn nghiêm và bảo vệ môi trường được đề cao kia mà Rú Chá – Cồn Tè hàng trăm năm qua vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu. Đó là cũng cách ứng xử đầy văn hóa đối với báu vật mà thiên thiên ban tặng của con người xứ Huế.

Với “Đánh cá ở rừng ngập mặn”, nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đã mang vẻ đẹp của Rú Chá – Cồn Tè ra thế giới. Hy vọng, qua “Rú Chá, Cồn Tè – sắc màu sông nước”, sẽ thêm nhiều góc nhìn mới về vẻ đẹp của khu rừng ngập mặn này được phát hiện, quảng bá và lan tỏa.

ĐAN DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …