Giải pháp gần như duy nhất

Bãi xe tại cửa khẩu Tân Thanh.(Nguồn: TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến ngày 25/12 tại hai cửa khẩu Quảng Ninh và Lạng Sơn còn ùn ứ hơn 5.750 xe.

Ở nước ta, các loại hàng hóa như trái cây, rau củ quả, lợn, thủy sản… xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc với sản lượng chiếm tỷ lệ rất lớn. Do đó, giá cả và dung lượng thị trường phụ thuộc rất lớn vào thị trường này. Người trồng dưa hấu ở miền Trung kỳ vọng rất lớn vào thị trường này “ăn hàng” nên mặc dù giá cả bấp bênh, họ vẫn cứ sản xuất. Xoài, thanh long… và một số mặt hàng trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long hay các loại trái cây ở vùng trung du phía Bắc đều như vậy cả. Mặt hàng thịt lợn cũng vậy, cứ hễ Trung Quốc hút hàng là giá cả đi lên…

Nói chung, thị trường Trung Quốc rất hấp dẫn đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Nó chính là chất xúc tác quan trọng để thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như các thương nhân kinh doanh. Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm năm 2021, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020.

Đạt hàng tỷ USD xuất khẩu nhưng hàng nông sản Việt Nam đi theo phương thức – xuất tiểu ngạch.

Xuất khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch đều được Nhà nước bảo hộ, tức là hợp pháp. Nó được nhiều thương nhân và doanh nghiệp nhỏ lựa chọn là vì thuế suất thấp, thủ tục dễ dàng, chi phí thấp. Tuy nhiên, “có lợi ở mặt này thì đôi khi bất cập ở mặt khác”. Hàng ùn ứ ở cửa khẩu như những ngày qua cho thấy tính ổn định không cao. Vào tháng 2 năm nay cũng đã xảy ra tình trạng này, hàng trăm xe nông sản ùn ứ mà trong đó một tỷ lệ không nhỏ là hàng dễ hư hỏng như dưa hấu, thanh long, chuối, xoài.

Tình trạng nêu trên đã kéo dài trong nhiều năm chưa được khắc phục thì cũng không kỳ vọng gì nó sẽ không lặp lại trong tương lai, bởi “thói quen” mua bán theo kiểu “thuận mua vừa bán”, không cần hợp đồng ràng buộc vẫn còn đó; luật pháp không cấm; và không loại trừ bằng một cách nào đó hàng hóa kém chất lượng được thông quan mà chúng ta thường nói “thị trường dễ tính”.

Nói tóm lại là có rủi ro nhưng phương thức xuất khẩu này đủ sức hấp dẫn đối với thương nhân nên họ lựa chọn, dù có nhiều khuyến nghị, cảnh báo!? Cho nên, giải pháp cần nhất bây giờ là bàn chuyện làm sao thông quan hàng hóa cho nhanh chứ không phải là lúc bàn về cách thức sản xuất nông nghiệp, thị trường…

Cứ mỗi lần “xới xáo” vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch, nhiều người đề cập đến khía cạnh rủi ro chứ ít thấy đề cập đến những mặt lợi!? Rõ ràng, ít ai nhạy bén với thị trường hơn là thương nhân. Nếu quá rủi ro thì phương thức này đã không tồn tại lâu năm đến vậy. Ắt, tính về tổng thể thì lợi nhiều hơn hại!? Đối với thương nhân, điều chắc chắn có lợi họ mới làm. Không phải mười chuyến “làm hàng xuất khẩu” đều rủi ro cả. Làm ăn lâu năm họ cũng tạo dựng được thị trường, bạn hàng. Công bằng mà nói, thị trường Trung Quốc, ở một khía cạnh nào đó gián tiếp hỗ trợ sản xuất trong nước rất lớn.

Nếu nói về sự bấp bênh, có lẽ chính là người sản xuất ra hàng hóa, tức là nông dân. Thấy ớt có giá thì cùng nhau trồng ớt, được một hai vụ thì giá rớt chỉ còn vài ngàn đồng một kg, không đủ bù đắp công hái; cà chua, dưa hấu cũng đã từng như vậy… Nhưng bảo nông dân không sản xuất những mặt hàng như vậy thì sản xuất gì!? Nền nông nghiệp của chúng ta lách mùa vụ; sản xuất hàng chất lượng cao để xuất khẩu sang nhiều thị trường “khắt khe” về chất lượng để có giá cao hơn… đâu phải dễ? Bài toán về hàng nông sản của chúng ta không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai.

Tại hội nghị nói trên, có ý kiến từ Bộ Công thương cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng thị trường 100 triệu dân trong nước. Điều này hẳn nhiên là một lời khuyên đúng. Nhưng nếu chúng ta có dịp đi thăm các hệ thống phân phối hàng hóa từ chợ truyền thống đến siêu thị; từ kênh bán hàng online đến chợ “chồm hổm”; từ thành thị đến nông thôn, có thể nói hàng nông sản không thiếu thứ gì, tức là hàng hóa nông sản cấp đủ cho dung lượng thị trường trong nước. Và vì vậy, chúng ta cần xuất khẩu.

Giải pháp về lâu dài cho ngành nông nghiệp thì có thể tạm tính sau, còn giải pháp hiện tại, như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Thành “yêu cầu các bộ Ngoại giao, Công thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa của cả hai nước đang ùn tắc tại cửa khẩu”. Mà một trong những gợi ý là: “cũng cửa khẩu đó, một ngày thông quan 8 tiếng thì bây giờ thông quan 12 tiếng được không?”. Trong tình trạng chưa hạn chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch được thì giải pháp hành chính, tức là sự phối hợp giữa hai phía chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi là giải pháp gần như duy nhất.

Bình An

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …