Được & mất

Một tuần trước Rằm Trung thu, Huế mở hội lân. 17 đội lân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước đã quy tụ về Huế để dự “Lễ hội Lân Huế 2022”, nằm trong chuỗi các hoạt động sự kiện của Lễ hội mùa Thu với chủ đề “Thu quyến rũ” trong khuôn khổ Festival Huế 2022 và chào đón Lễ Quốc khánh 2/9.

Tôi là kẻ mê lân và cũng như nhiều người bạn cùng sở thích, đặc biệt mãn nhãn với những màn biểu diễn thi đấu tại lễ hội. Nếu “Địa bửu” làm cho mọi người phải trầm trồ bởi sự tinh tế trong từng chuyển động, điêu luyện trong lối biểu diễn thì những tiết mục “Mai hoa thung” lại mang đến không khí sôi động, kịch tính và đầy bất ngờ với những pha trình diễn mạo hiểm trên cao thật hấp dẫn.

Ở cái tuổi lục tuần, tôi và vợ bỗng có những đêm ngẩn ngơ nơi không gian “Trưng bày và sắp đặt đèn lồng truyền thống” với 1.000 đèn lồng các chủng loại hội tụ bên dòng Hương giang. Một cảm giác đầy hoài niệm khi bắt gặp các loại lồng đèn đa dạng đến bất ngờ của Huế: đèn lồng cung đình, đèn lồng truyền thống, đèn lồng làm từ mây tre đan Bao La, đèn Trúc Chỉ, đèn lồng xếp… Tô điểm và làm đa dạng thêm là sự tham gia trưng bày đèn lồng Trung thu cổ truyền của nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình và con giống bột của nghệ nhân Đặng Văn Hậu.

Như chợt thấm thía hơn ý nghĩa sâu sắc trong tựa đề của một status “Mang Trung thu xưa trở về” khi dừng lại nơi không gian “Trưng bày và sắp đặt đèn lồng truyền thống”. Và rồi, lại cảm thấy rộn ràng và phấn chấn khi từ không gian đèn lồng ấm áp bên dòng sông Hương, Trung thu xưa xuống phố với lễ hội quảng diễn lân – sư – rồng và rước đèn Trung thu với một lộ trình dọc theo đôi bờ sông Hương và quy tụ sự tham gia của 10 đoàn lân – sư – rồng cùng với khoảng 300 học sinh.

Ở Huế, Trung thu năm nay đến sớm trong áo xống của một lễ hội du lịch vui tươi. Thế nhưng, cũng đã cận kề rồi mà thấy quá ít những chuẩn bị cho đêm hội trăng Rằm nơi đầu xóm, cuối thôn khiến cho nhiều người lớn tuổi như tôi bất giác chạnh lòng. Nhớ sao tiếng trống lân “cắc, tùng” từ xa vọng về. Xóm nhỏ nơi tôi ở hay buổi tối ở làng quê ven đô trong căn nhà của mạ tuyệt nhiên yên ắng. Vợ bảo ra phố mà xem, Trung thu này thấy ít bày bán đầu lân, ông địa… Rồi cũng là nàng lại bảo, là do không có ai mua. Trẻ con bây giờ tìm vui ở chiếc điện thoại, còn đâu nghĩ tới chuyện lập đội múa lân mỗi khi Trung thu về. Tôi nghĩ, giữa bao điều mới lạ có được của Trung thu hôm nay, đó là sự thiếu vắng và mất mát, gây nhiều vấn vương.

Truyền thông về Ngày hội Lân Huế 2022, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, lân – sư – rồng là khơi mở cho những điềm lành, vạn sự hanh thông. Ngày hội Lân Huế là món quà độc đáo mà ngành du lịch tỉnh dành tặng người dân địa phương và du khách ghé thăm Huế. Còn tôi lại nhớ tới cái sân khấu nhỏ được dựng trong khuôn viên “Trưng bày và sắp đặt đèn lồng truyền thống”. Ở đó trong buổi tối tôi ghé thăm, đã được chứng kiến nhiều em nhỏ bước lên sân khấu và đầy phấn khích, cùng nhảy theo điệu nhạc Trung thu rộn ràng.

Mới hay sự hấp dẫn của Trung thu trọn vẹn là cùng lúc được nghe, được xem, được chuẩn bị và trình diễn, được trải nghiệm và khám phá. Được bày sẵn bởi người lớn như hiện tại, Trung thu lung linh sắc màu nhưng lại mất đi sự hồn nhiên tươi trẻ và cảm giác được nhập cuộc và được hóa thân.

ĐAN DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …