Chủ tịch Hồ Chí Minh lao động tăng gia sản xuất cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ. Ảnh: Tư liệu
Cách đây hơn 73 năm, Bác Hồ đã viết tác phẩm: “Cần, kiệm, liêm, chính” (tháng 6/1949), được xem là những đức tính cốt lõi của đạo đức cách mạng. Nội dung được Bác chỉ ra từ phân tích những đức tính để răn dạy cán bộ vào thời kỳ đầu xây dựng Nhà nước và cho đến nay đang có giá trị giáo dục trong điều kiện hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Bác: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không tham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại”. Người nhấn mạnh, người cán bộ phải “dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa thì không tham gì hết”. Từ quan điểm đó Bác Hồ khẳng định những gì trái với liêm là “bất liêm”. “Bất liêm” là “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên… Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình”. Hiểu theo nghĩa của Bác, đã là người bất liêm không còn day dứt, xấu hổ khi làm điều xấu xa, bị tha hóa về nhân cách, phẩm giá, băng hoại mọi phẩm chất tốt đẹp. Những hành vi bất liêm của cán bộ là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, hách dịch, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, cục bộ địa phương. Bất liêm trái với phẩm chất liêm chính cho nên cần phải bị phê phán và sớm được loại bỏ trong đời sống, trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo. Như Khổng Tử đã từng nhấn mạnh: “Người không liêm không bằng súc vật” và Mạnh Tử chỉ rõ hơn: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Đúc kết của những nhà hiền triết đã nêu có ý nghĩa quan trọng cho giáo dục đạo đức liêm chính đối với cán bộ, đảng viên hiện nay.
Trong những năm gần đây, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực. Phê bình và tự phê bình theo các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11,12,13) về tăng cường chỉnh đốn, xây dựng Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã tạo chuyển biến mới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người có chức, quyền chưa được đẩy lùi. Những thói hư tật xấu, suy thoái dẫn đến cục bộ, lợi ích nhóm không chỉ xâm hại đến lợi ích chung mà còn gây tác động xấu, làm giảm ý chí, sức mạnh đoàn kết, thống nhất nội bộ, làm tổn thương đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
“Liêm” là thước đo đạo đức cách mạng, là phép thử bản lĩnh chính trực người cán bộ, nhất là những người được giao chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cán bộ có liêm sẽ không làm gì mờ ám, khuất tất, nhận thức rõ đúng – sai, xấu – tốt, tạo được sự tôn trọng của Nhân dân. Mọi việc dù lớn hay nhỏ cũng phải công bình, chính trực, thái độ cư xử đúng mực với mọi người, với cán bộ dưới quyền, biết dùng người tài, người làm được việc; không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà bổ nhiệm người nhà, người thân, để lại hậu họa cho dân, cho nước.
Hiện nay, đức liêm chính không chỉ là giữ trong sạch, vo tròn thu mình trong “vỏ ốc” (cũng là đáng quý), mà còn phải “dám nghĩ, dám làm” vì lợi ích chung, miễn là mình không có gì khuất tất, tư lợi cho bản thân. Đó là phẩm chất “liêm” tích cực, thực chất của người cán bộ, cần được lan tỏa sâu rộng hơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi mới nhậm chức Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ Nhân dân”. Kiến tạo và liêm chính là 2 nội dung lớn cho xây dựng Nhà nước pháp quyền. Kiến tạo là phát huy thế mạnh để củng cố và phát triển kinh tế đất nước theo hướng hiện đại, ngày càng giàu mạnh. Đi đôi với đó là xây dựng Chính phủ liêm chính, lấy người dân làm động cơ phấn đấu, phát triển đất nước làm động lực, chính quyền quản lý và phục vụ làm phương hướng. Những ứng dụng khoa học công nghệ được áp dụng trong thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa, giảm bớt phiền hà, hướng tới “liêm chính hóa” bộ máy quản lý, hạn chế nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Người dân từng bước tiếp cận thông tin công khai, minh bạch, hạn chế nạn “tham nhũng vặt” vốn đang tồn tại trong các cơ quan công quyền. Muốn đạt được những mục tiêu đó thì không gì hơn là nâng cao tính liêm chính của các cơ quan công quyền. Trong giai đoạn hiện nay, quan trọng nhất là “thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao…”.
Nêu gương trong đạo đức công vụ, trong thi hành nhiệm vụ, lấy phục vụ Nhân dân làm thước đo trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo trước yêu cầu ngày càng cao.
NGUYỄN AN HÒA