Đứa trẻ

Anh Kim nặng nhọc đẩy từng vòng trên chiếc xe lăn, cố gồng mình để len qua khung cửa nhỏ hẹp của căn trọ nhỏ. Vừa nghe thấy tiếng cọt kẹt trong những vòng xe của bố, đứa bé lập tức bỏ dở chiếc chổi còn cao hơn cả người chạy ra phía sau, cố gắng hì hục đẩy chiếc xe lăn. Anh công nhân cùng chung khu trọ đi ngang qua giúp hai bố con vì thấy con bé gồng mình quá, nhưng tuyệt nhiên không nhờ ai giúp đỡ. Các chị trong khu trọ đang phơi đồ vừa nhác thấy bóng anh đon đả chào:

– Anh Kim nay về sớm à?

– Vâng, được phúc bán nhanh nên về sớm được bữa các chị ạ. Bé An nay có làm phiền các chị nhiều không ạ?

– Anh được cái nói khéo, anh nhờ chúng tôi chăm cháu nhưng thực chúng tôi thấy con bé còn chăm mình tốt hơn cơ. Phải tội ít nói quá cơ.

Tiếng cười xòa giả lả thể hiện sự thân tình của khu nhà trọ. Mọi người đều là những người dân nghèo tứ xứ dạt lên phố thị phồn hoa này để mưu sinh, gắn bó ngót nghét cũng chục năm trời. Anh tới đây sau cùng, độ sáu năm về trước, khi mới tới đây ai cũng thấy thương cảm và không quên được hình ảnh người đàn ông vốn là một thương binh đang ngồi trên xe lăn vì chiến tranh chỉ để lại cho anh một bên chân lành lặn. Trên tay anh bế đứa bé còn đỏ hỏn đang khát thèm sữa mẹ, không ai hỏi nhiều nhưng dường như nhìn anh ai cũng hiểu được sự tình. Và cứ thế, bé An lớn dần lên trong vòng tay của những người trong khu trọ, ai có sữa cho sữa, ai có đồ ăn cho đồ ăn, khi rảnh rỗi thì bé được chuyền tay nhau trông nom, nuôi dưỡng để anh có thời gian đi bán vé số kiếm kế sinh nhai. Tuyệt nhiên dù anh muốn đền đáp nhưng anh biết là không ai nhận, những người cùng khổ đùm bọc nhau mà sống, khi người này thiếu, người kia chia sẻ.

An là một đứa bé có đôi mắt buồn. Khi những đứa trẻ lên sáu khác còn đang nô đùa với sự ngây thơ của chính nó, thì An lại rất ít nói. Mái tóc đen gọn lỏn được cắt cao lên thể hiện sự vụng về của đôi tay một người đàn ông. Nhưng An rất thích được bố cắt tóc cho mình vì:

– Con muốn được ở bên cạnh bố.

Một ngày của An nếu không đi học thì sẽ giúp đỡ mọi người trong khu trọ nhỏ, quét dọn nhà cửa, phơi đồ rồi chờ bố về. An còn muốn giúp bố nấu cơm nhưng vì bé còn nhỏ quá nên anh không cho. Buổi trưa anh đi bán vé số rồi tạt mua cơm hộp về cho bé. Chiều về sớm thì anh nấu cơm, không thì chịu khó ăn một bữa cơm muộn. Tiếng cười của An chỉ trở về khi có bóng anh bên cạnh. Tôi là hàng xóm có phòng trọ sát bên cạnh nhà anh. Tôi thường để đứa con gái năm tuổi của mình sang chơi với bé. Tuy chỉ hơn kém nhau một tuổi nhưng An rất ra dáng chị. Cái trưởng thành của đứa bé trong đôi lúc tôi bắt gặp được có một chút gì đó thực sự khiến tôi nhói lòng.

Có một bận, Nhi – con gái tôi, quấy khóc với tôi và bảo bị An đánh trúng. Từ xa tôi đã thấy An đang lò dò đi lại, bé khoanh tay xin lỗi tôi và vỗ vỗ lên đầu Nhi:

– Chị xin lỗi, chị không cố ý mà. Là chị với tay lấy đồ nó rớt trúng em. Chị xin lỗi.

Tôi cũng không biết cảm giác của mình ra sao, một đứa trẻ còn rất nhỏ ngay khi biết mình làm sai đã vội xin lỗi chứ không chờ bất kỳ người lớn nào phải nhắc. Thậm chí, có những người đã trưởng thành khi đứng trước ngưỡng của đúng sai, chưa chắc đã chịu nói lời xin lỗi. Lại có một bận khác, trong lúc đùa vui thì Nhi đã lỡ tay tát nhẹ vào má An một cái. Lúc đó tôi đã rất giận vì thay vì đi xin lỗi An, Nhi lại quấy khóc khi tôi la con bé. Trong khi mọi người vừa vỗ về vừa nghiêm khắc nói:

– Nhi xin lỗi chị An đi, chị An làm sai chị An xin lỗi Nhi thì Nhi cũng phải thế chứ?

Thì trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, dường như chỉ mất một phút suy nghĩ, An sờ nhẹ lên tay của tôi nói:

– Cô đừng giận bé Nhi nữa, con tha thứ cho Nhi rồi.

Nói đoạn rồi An lại ôm Nhi một cái như giải hòa rồi dẫn con bé đi chơi.

Trung thu gần kề, trong khi những đứa bé khác bắt đầu xúng xính với đèn hoa, những bộ quần áo mới, và khát khao có được một chiếc lồng đèn cho đêm trung thu thì khi được hỏi muốn có gì nhất, An chỉ trả lời:

– Con muốn trung thu trúng ngày con nghỉ thì con phụ ba đi bán, rồi ba về sớm chơi trung thu với con.

Dường như trong mắt đứa bé, trung thu là hai cha con sum họp chứ không phải là đèn hoa, một ngày đi chơi xa xỉ hoặc những chiếc bánh với đủ loại nhân nom đắt tiền. Dù thế, tôi vẫn để ý thấy ánh mắt háo hức của đứa bé khi bắt đầu nhìn thấy những đứa bé khác trong khu trọ được bố mẹ mua cho chiếc lồng đèn, cái thì ông sao, cái thì ánh trăng, cả những chiếc lồng đèn tròn in họa tiết cô tiên trên đó… Khu trọ nhỏ tổ chức một buổi lễ trung thu ấm cúng dành cho các bé, người lớn chúng tôi quây quần bên chiếc bàn dài kéo giữa sân dưới ánh trăng tròn nom ấm áp, chỉ thiếu mỗi anh Kim, có lẽ đương về vì nay bán chậm. An rất ngoan, không vòi khóc đòi ba, đứa bé nép mình trên chiếc ghế nhỏ, bỗng có một đứa trẻ bên cạnh khóc vang, cũng là một đứa bé đang đợi ba mẹ đi làm về.

– Em đừng khóc nữa, chị cũng đang đợi ba chị về nè mà chị có khóc đâu. Em đừng khóc thì lát chị cho em phần bánh của chị.

Con nít hay được dỗ dành bởi bánh kẹo vội nín khóc ngay khi giọt nước còn đọng trên mi. Rồi tất cả cũng về đông đủ. Ngay khi vừa thấy ba, An vội nước mắt ngắn dài, lăn tròn và được anh bế thốc lên người, lúc đó chúng tôi ai cũng xúc động. Dường như đứa bé chỉ trưởng thành để an ủi những đứa bé hơn, chứ kỳ thực vẫn là một đứa con nít nhớ ba nhưng lại không muốn thể hiện ra là mình đang vòi vĩnh.

Anh Kim rút trong chiếc bọc nhỏ một chiếc lồng đèn gấp, khi bung ra thì là một chiếc đèn tròn có hình cô tiên lấp lánh tặng cho An. Dù luôn miệng nói con không thích lồng đèn đâu, bố không cần mua nhưng khi nhìn thấy món quà của bố, An lại rất háo hức. Phần bánh ngày hôm đó của An được chia cho đứa bé khác, và một lúc sau chiếc lồng đèn cũng được sang tay cho một đứa bé khác, trung thu không có quà…

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …