Một số xuất bản phẩm của Nxb Thuận Hóa
Kế thừa di sản xuất bản thời quân chủ, hoạt động xuất bản Thừa Thiên Huế tiếp tục đồng hành với sự hiện diện của văn minh phương Tây, các phương tiện kỹ thuật ấn loát được du nhập qua con đường xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp, của trào lưu dân chủ từ giữa cuối thế kỷ XIX…
Sang đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, phổ biến các học thuyết, tư tưởng yêu nước của các nhà cải cách, các vị cách mạng tiền bối. Ở Huế, lần lượt ra đời các cơ sở in ấn phục vụ cho mục tiêu đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh, tiến tới độc lập dân tộc, như: Quan Hải Tùng Thư, Nhà xuất bản Dân Thanh, Nhà xuất bản Tinh Hoa, nhà in Đắc Lập, nhà in Phúc Long, nhà in Ngô Tử Hạ, nhà in báo Tiếng Dân, nhà in Vương Đình Châu… in ấn, phổ biến các loại văn thơ, sách báo mang tư tưởng tiến bộ.
Các loại ấn phẩm, sách báo ở Huế thời kỳ này được phát hành rộng rãi thông qua các hiệu sách nổi tiếng, như: Hương Giang, Thuận Hóa, Bến Ngự… là cầu nối, phương tiện giúp các thế hệ thanh niên, học sinh yêu nước có cơ hội tiếp cận các luồng tư tưởng Đông – Tây. Đặc biệt, các loại sách báo tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin được nhiều thanh niên, học sinh yêu nước tìm đọc, tạo nên bầu không khí rạo rực, sục sôi trên con đường cách mạng, là tiền đề dẫn đến thắng lợi vĩ đại cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945 ở Kinh đô Huế.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam DCCH ra đời. Thời gian này ở Thừa Thiên Huế, nhiều tờ báo của Đảng và các đoàn thể cách mạng ra đời, giúp Nhân dân hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ và hăng hái tham gia sự nghiệp “Kháng chiến và kiến quốc”, điển hình như: Giết Giặc, Quyết Thắng (sau đổi thành Đánh Thắng) của Tỉnh ủy; Quê Hương (Việt Minh Thuận Hóa); Đại Chúng (Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Trung Bộ); Ánh Sáng (Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác)… Cùng với báo chí, nhiều thể loại sách tuyên truyền, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối của Đảng; nhiều ấn phẩm văn học – nghệ thuật được in ấn, phát hành, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống của người dân…
Phương tiện, máy móc in ấn mặc dù còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy chủ trương vận chuyển máy móc, vật tư từ các cơ sở in trước đây lên chiến khu để phục vụ ấn loát. Cùng với đó, cơ quan báo chí – xuất bản Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập (1946), sau đổi thành Nhà xuất bản Dân Chủ Mới (1949) thuộc Liên Khu ủy Khu 4, góp phần đắc lực vào hoạt động báo chí – xuất bản. Càng về cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vai trò của in ấn, xuất bản trên mặt trận tuyên truyền, báo chí giữ vị trí hết sức quan trọng, có nhiều đóng góp vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, đất nước chia thành 2 miền. Hoạt động xuất bản và báo chí trong vùng kháng chiến trở nên cấp thiết phục vụ cho cuộc đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định Genève, thực hiện Tổng tuyển cử, tẩy chay chính sách đàn áp của Mỹ – Ngụy… Nhà in Tỉnh ủy in báo Thống Nhất (báo Giết giặc trong chống Pháp), cùng nhiều truyền đơn, tài liệu quan trọng khác.Thời gian sau, có thêm một số nhà in khác, như Sao Vàng, Sông Hương, nhà in Khu ủy Trị – Thiên… in ấn, xuất bản nhiều ấn phẩm báo chí của các tổ chức như báo Cờ Giải Phóng (Thành ủy Huế), Cứu Lấy Quê Hương (Liên minh các Lực lượng dân tộc – dân chủ – hòa bình), Tập văn Ngày Mai (Nhân sĩ, trí thức Huế)…, cùng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam (4/1975), cùng với cả nước, hoạt động xuất bản ở Thừa Thiên Huế góp phần làm nên diện mạo mới trong đời sống tư tưởng – văn hóa, khẳng định được bản sắc của vùng đất có bề dày văn hóa – lịch sử.
Xuất bản thời kỳ này đòi hỏi tính chuyên nghiệp và có sự thống nhất trong quản lý Nhà nước. Bắt đầu từ thập niên 80, hoạt động xuất bản ở Thừa Thiên Huế chủ yếu do Nhà xuất bản Thuận Hóa đảm trách, chịu trách nhiệm xuất bản các tài liệu, văn kiện chính trị của Đảng, nhiều công trình, tác phẩm văn hóa – văn nghệ ra đời, góp phần sôi động đời sống văn hóa tỉnh nhà. Nội dung các xuất bản phẩm ngày càng được nâng lên, đề tài và thể loại mở rộng, hòa nhập với sự nghiệp xuất bản trong cả nước. Cùng với những đầu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, phản ánh sự nghiệp đổi mới đất nước, bạn đọc vui mừng tiếp nhận những mảng sách vô cùng giá trị về lịch sử – văn hóa Huế, sách dịch, sách danh nhân… tạo dấu ấn riêng với nhiều bộ “kỳ thư” của Nội các, của Quốc sử quán triều Nguyễn… Số xuất bản phẩm ngày một tăng lên, nội dung, hình thức ngày càng phong phú, đạt nhiều giải thưởng “Sách hay – Sách đẹp”, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trên cả nước.
Cùng với Nhà xuất bản Thuận Hóa, hệ thống xuất bản ở Thừa Thiên Huế còn có sự góp mặt của các Nhà xuất bản, Chi nhánh Nhà xuất bản như: Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật (1995), Nhà xuất bản Đại học Huế (2005), làm phong phú, sôi động hoạt động xuất bản ở tỉnh nhà.
Trong thời gian tới, hoạt động xuất bản Thừa Thiên Huế đẩy mạnh chuyển đổi số; là hạt nhân quan trọng phát triển văn hóa đọc và xây dựng “Tủ sách Huế” phong phú về nội dung, giàu về bản sắc văn hóa Huế, lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÌNH DŨNG