Dồn la dồn…

Nay chỉ vèo một tý, khác với ngày trước giải phóng, mỗi lần coi đua trải ở sông Vực, ông cháu tôi từ làng Dạ Lê Thượng phải đi bộ mất cả hàng tiếng đồng hồ. Đến nơi tìm cho ra cái chỗ để coi cho đã con mắt cũng… toát mồ hôi. Vậy nên đi “coi đua” mà cứ như đi “nghe đua” với một mớ âm thanh vui nhộn mà hỗn tạp, nào là tiếng trống tùng tùng, nào tiếng gọi nhau ơi ới và nhất là nhịp điệu “dồn là dồn” đầy hứng khởi, vang vọng cả một khúc sông nhỏ. Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu được nghĩa của 3 từ vừa vui vừa lạ kia, nhưng nó là những âm hưởng tôi thích thú nhất mỗi khi nhớ về những cuộc đua.

Đọc những ghi chép xưa của những vị tiền bối, như Dương Văn An, Lê Quý Ðôn hay Nguyễn Khoa Chiêm về vùng đất Thừa Thiên Huế xưa đều có nói về việc người dân nơi đây tổ chức đua ghe trong các dịp xuân về hay trong các lễ hội, hoặc do phủ chúa đứng ra tổ chức nhân một dịp đại lễ nào đó. Nó được xem là môn thể thao tồn tại lâu đời, có mặt ở đất Thuận Hóa từ buổi đầu người Việt theo chân các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi và vẫn tiếp diễn cho đến hôm nay.

Tuổi thơ quanh quẩn ở quê, coi đua trên cánh đồng làng vào mùa nước nổi hay họa hoằn lắm về dự hội đua sông Vực, tôi chỉ biết có đua trải. Sau này lớn lên mới hay có thêm đua thuyền, đua ghe… Đua nào cũng “dồn la dồn” và cũng đầy ý nghĩa, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của cư dân miền sông nước. Xưa đua là lễ hội của cư dân nông nghiệp và ngư nghiệp. Nếu như người dân ở Thuận An, Lăng Cô đua ghe để cầu ngư, thì ở Hương Thủy, Quảng Điền… các cuộc đua thường gắn liền với mục đích cầu mong vụ mùa tươi tốt.

Bây giờ mở rộng hơn xưa. Một sự kiện lớn của địa phương hay một một lễ kỷ niệm cũng có thể mở hội… đua. Ví như vào đầu năm 2022, thành phố Huế tổ chức giải đua ghe để chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, ngày Thể thao Việt Nam và cũng nhân sự kiện thành phố mở rộng. Còn nữa, chọn địa điểm tổ chức mới lạ ở công viên Trịnh Công Sơn, từ khu vực sông Hương – phía Cồn Hến trải dài vào sông Đông Ba, giải đua còn mang thêm ý nghĩa hưởng ứng Festival Huế và là dịp để quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, ẩm thực, thương mại của khu vực này. Nghĩa là, ý nghĩa của giải đua đã được mở rộng.

Đua ghe, đua trải, đua thuyền… đã và đang dần trở thành một sản phẩm của du lịch Huế. Còn với khán giả, không chỉ khám phá, đó còn là dịp để nhiều người, trong đó có tôi trở về với ký ức tuổi thơ. Tôi đã xem rất nhiều cuộc đua hay lễ hội văn hóa thể thao nhưng ấn tượng nhất vẫn là những cuộc đua nơi sông nước này. Ở đó, tôi có thể cảm nhận được hơi thở và nhịp đập con tim, sự dồn nén hồi hộp và cả những niềm vui òa vỡ một cách rất tự nhiên của người đua và cả người xem. Ai bảo người Huế mình sống khép kín và ít mở lòng? Hãy đến với cuộc đua trên sông nước để khám phá một nét đẹp văn hóa và một tính cách của con người xứ Huế trong điệu “dồn la dồn” kia.

Đình Nam

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

PHỐ CỔ BAO VINH-HUẾ

Có một góc Huế vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, đó là phố cổ …