Đoàn viên, người lao động tham gia hội thi “Thợ giỏi”
Làm mới hoạt động
Chương trình “Cảm ơn người lao động (NLĐ)” được Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp (KTCN) tỉnh tổ chức giữa năm nay, được xem như sợi dây thắt chặt tình đoàn kết giữa NLĐ và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (DN). Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các DN, các đơn vị công đoàn và NLĐ được ngồi lại với nhau, chia sẻ những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch COVID-19, và cùng nhau quyết tâm vượt qua thách thức, hồi phục sản xuất, kinh doanh như thời điểm hiện tại.
Các DN đều khẳng định, NLĐ là tài sản quý giá trong sự phát triển của DN. Nhiệm vụ của DN là phải bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ ngay cả những thời điểm khó khăn nhất. Trong khi đó, NLĐ cũng nguyện đồng sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả từng công đoạn sản xuất. Khép lại chương trình, 250 suất quà, mỗi suất trị giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng được các DN và Công đoàn Khu KTCN tỉnh trao tặng cho những lao động tiêu biểu, như một lời tri ân đoàn viên, NLĐ.
Anh Nguyễn Văn Long, công nhân Công ty CP Tài Phát nhớ lại: “Khi nghe giám đốc công ty chia sẻ tận dụng mọi khả năng để đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ tại diễn đàn, cộng với thực tế tại công ty, tôi hiểu ra, ban giám đốc cũng có những khó khăn, trọng trách riêng, bản thân tôi thấy may mắn vẫn có việc làm và thu nhập nên toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ của mình”.
Theo bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu KTCN tỉnh, trong thời điểm khó khăn, để tạo việc làm cho NLĐ có thu nhập ổn định là việc không hề dễ đối với DN. Về phía NLĐ, thu nhập giảm, việc làm thiếu ổn định, nhưng NLĐ vẫn luôn gắn bó, chia sẻ khó khăn với mong muốn DN sớm ổn định và phát triển. Sự chia sẻ, đồng lòng, đoàn kết cùng đưa DN vượt qua khó khăn, đó chính là chất xúc tác, xác định giữa DN và NLĐ có mối quan hệ “cộng sinh” giúp nhau cùng tồn tại và phát triển.
Diễn đàn “Cảm ơn NLĐ” được Công đoàn Khu KTCN tỉnh tổ chức với mong muốn làm cầu nối để DN tri ân NLĐ đã gắn bó với DN, tận tụy, vượt khó, tăng năng suất lao động, góp phần xây dựng DN ngày càng phát triển. Đồng thời, kỳ vọng NLĐ không ngừng rèn luyện tác phong công nghiệp, thực hiện kỷ luật, kỷ cương mang lại hiệu suất lao động cao.
Hội thi “Thợ giỏi” được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức năm nay, thu hút nhiều đoàn viên, NLĐ tham gia. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, công nhân Công ty TNHH Giã Trân, TP. Huế cho biết, chị tham gia thi “Thợ giỏi”, để xác định tay nghề bản thân, từ đó phấn đấu, rèn luyện thêm.
Theo chị Hồ Thị Đoan Trang, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, hội thi là cơ hội để đoàn viên, NLĐ cọ xát với những thử thách tay nghề, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đây là những hoạt động tiêu biểu, thể hiện sự đổi mới trong cách tiếp cận, hoạt động công đoàn theo tinh thần của Nghị quyết 02 của các cấp công đoàn trong tỉnh.
Cụ thể hóa để thực hiện
Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, khi Nghị quyết 02 -NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được ban hành, thì chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam và kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 02 cũng ra đời. Trên cơ sở đó, LĐLĐ tỉnh triển khai ngay về các cấp công đoàn cơ sở (CĐCS). “Thời điểm đó, dịch COVID-19 phức tạp, nên LĐLĐ triển khai đồng thời trực tiếp và trực tuyến”, bà Nguyệt cho biết.
Qua một năm thực hiện, 100% đoàn viên, NLĐ khối hành chính sự nghiệp và 70% đoàn viên, NLĐ trong các DN khu vực ngoài nhà nước được tiếp cận Nghị quyết 02 và kế hoạch triển khai thực hiện của LĐLĐ tỉnh. Quan trọng hơn, nhiều CĐCS đã bắt đầu cụ thể các chỉ tiêu để thực hiện. Đó là, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền tại các CĐCS các đơn vị, DN, giúp cán bộ, đoàn viên và NLĐ nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức NLĐ tại DN để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.
LĐLĐ tỉnh triển khai 40 lớp tuyên truyền miệng về văn hóa cơ sở, phòng, chống tín dụng đen tại các khu công nghiệp, phòng, chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao, an toàn giao thông, phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc… Ngoài tuyên truyền theo hình thức truyền thống, các cấp công đoàn chú trọng ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để bảo đảm thông tin chỉ đạo hoạt động công đoàn, nhanh, liên tục từ cấp tỉnh xuống cơ sở. Hiện tại, LĐLĐ tỉnh có 987 facebook, fanpage, 1.238 nhóm zalo của các cấp công đoàn.
Thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp của Nghị quyết, cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác năm. “Tùy từng lĩnh vực, các công đoàn có những cách làm riêng, phù hợp để mang lại hiệu quả nhất có thể”, bà Trần Thị Minh Nguyệt thông tin.
Bài, ảnh: Hải Thuận