Đi trước về trước

Có thể khẳng định, hoạt động chuyển đổi số những năm gần đây đã đem lại nhiều tiện ích, làm thay đổi nhiều thói quen giao tiếp vốn tồn tại từ lâu trong xã hội.

Việc ứng dụng các nền tảng của công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính, thương mại, giao dịch… đã tiết kiệm được phần lớn thời gian, nhất là giảm được sự phiền hà cho người dân. Đơn cử như nền tảng Hue-S đã quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người dân Huế và du khách: từ phản ánh hiện trường, phòng, chống, dịch bệnh, thông tin điều hành của chính quyền, dự báo thời tiết, thanh toán tiền điện, nước… đến cả học bạ điện tử của học sinh, và nhiều ứng dụng khác, hầu hết được tương tác một cách thuận lợi.

Số liệu tại cuộc họp rà soát, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn tỉnh năm 2023 được tổ chức đầu tháng 2/2023 cho thấy: đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận hơn 1.047.400 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, đạt tỷ lệ 99% công dân trong diện đang cư trú; hoàn thành đưa 23/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; trong đó, có 139 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng CCCD, có hơn 955.590 trường hợp công dân có thông tin bảo hiểm y tế đã được xác thực, đồng bộ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Không riêng Thừa Thiên Huế, hoạt động chuyển đổi số đã được nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, góp phần mang lại hiệu quả trong hoạt động đời sống kinh tế – xã hội chung của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng, một số nơi vẫn còn bộc lộ những tồn tại, như yêu cầu người dân phải có giấy chứng nhận thông tin về cư trú, mặc dù đã có CCCD gắn chíp. Bên cạnh đó, tình trạng tội phạm lợi dụng các nền tảng của công nghệ thông tin để lừa đảo, cho vay nặng lãi, đánh bạc… vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng nên chưa thể thực hiện việc số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng, đòi hỏi bức thiết phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Với tư duy “đi trước về trước”, “đi tắt đón đầu”, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế… chắc chắn tiến trình chuyển đổi số sẽ ngày một hoàn thiện, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập của đất nước.

Đặng Thành

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …