Di tích núi Bân xứng đáng là Di tích quốc gia đặc biệt

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi thông tin ở khu vực có hố đào khảo cổ ở núi Bân

Đó là ý kiến được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra và nhận được sự đồng tình tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích núi Bân (phường An Tây, TP. Huế) do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức ngày 29/7.

Đàn Nam Giao thời Tây Sơn

Di tích này trước đó đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988. Cuộc khai quật này do Bảo tàng Lịch sử quốc gia đảm nhận với mục tiêu hướng đến xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc phục vụ cho công tác bảo tồn và hướng tới xây dựng di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Kéo dài hơn một tháng, đoàn các chuyên gia dự tính khai quật khảo cổ hơn 100m2, tuy nhiên sau đó đã mở rộng lên tới 140m2.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) – người chủ trì cuộc khai quật lần này cho hay, đã triển khai mở 9 hố đào ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của đàn tế hiện tại. Tùy theo mỗi hố việc khai quật được mở chạy dài theo các hướng khác nhau.

Đáng chú ý, ở khu vực phía Tây, nơi mở 5 hố xuất hiện một số vết tích nguyên gốc như mặt kè, bờ sườn, mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Hay như khu vực phía Nam với một hố chạy dài theo hướng Bắc – Nam cho thấy vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng 2m xuất lộ ở độ sâu 0,5m. Mặt sườn tầng 1 và tầng 2 đàn tế khu vực này bị biến dạng. Nguyên nhân theo các chuyên gia do việc xây dựng mồ mả của người dân trước đây cũng như bị ảnh hưởng bởi quá trình nạo vét trong đợt tu bổ, tôn tạo di tích năm 2008.

Quá trình khai quật nhóm phát hiện ra các mảnh gạch vỡ và đá lấn trong đất. Riêng khu vực phía Tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Đá được xác định là đá sa phiến dạng hòn, cục, có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng.

Gạch được phát hiện là dạng gạch bìa hình chữ nhật màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao với chiều rộng 13-14cm, dày 2,5-4cm, dài 14-16cm, niên đại tập trung thế kỉ 18. Điều này cho thấy phản ánh rõ tính chất xây dựng gấp gáp của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Theo ông Chất, kết quả khai quật bước đầu đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn. Kết quả đó góp phần khẳng định núi Bân chính là nơi được sử sách ghi chép cũng như các nhà nghiên cứu trước đây ở Huế xác nhận là nơi lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

“Từ những kết quả thu được, có thể nhận thấy đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng có quy mô, kích thước chu vi các tầng 1, 2 rộng lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay. Bố cục đàn này có nét tương đồng với đàn Viên Khâu (xây năm 1540 thuộc khu di tích Thiên Đàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc) với đế hình vuông, 3 tầng đàn ở giữa hình trò”, ông Chất đánh giá.

Gạch được khai quật ở núi Bân

Đề nghị mở rộng khai quật

Khảo sát thực địa tại khu vực khai quật, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng những thông tin khai quật rất có giá trị và những giả định đưa ra là có cơ sở. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin) cho rằng, nhắc đến núi Bân không chỉ nói đến chuyện lên ngôi của hoàng đế Quang Trung mà còn nhiều chi tiết quan trọng khác cần được làm rõ như việc xây đắp đàn, các sự kiện quan trọng diễn ra ở nơi này dưới triều Tây Sơn.

PGS.TS Đỗ Bang – người đầu tiên nghiên cứu và xác minh được di tích này 45 năm về trước cho rằng từ rất nhiều nghiên cứu cũng như đợt khảo cổ lần này cho thấy di tích này xứng đáng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. “Vì thế cần phải tiếp tục khảo cổ để làm rõ, bổ sung cho việc lập hồ sơ”, PGS. TS Đỗ Bang đề nghị. Đề nghị này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của những người tham dự buổi báo cáo. Bởi theo đó, một khi mở rộng khai quật toàn diện sẽ làm rõ hơn cấu trúc, kích thước… Ngoài ra, cần nghiên cứu đầu tư không gian trưng bày về triều đại Tây Sơn cũng như tour du lịch liên quan.

“Tôi nghĩ chúng ta khai quật mở rộng theo hướng hệ thống thành gạch 4 phía cũng như cắt ngang toàn bộ 3 tầng. Từ đó có phương án chỉnh trang theo hướng phù hợp với kết quả khảo cổ học”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Chất nói chắc chắn một khi tiếp tục mở rộng diện tích nghiên cứu khai quật những kết quả đem lại sẽ cung cấp và bổ sung đầy đủ hơn những thông tin khoa học, xác định cụ thể và toàn diện hơn quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Từ đó, góp phần cho công tác bảo tồn cũng như hướng tới xây dựng hồ sơ công nhận di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt. Vì thế, ông cũng đề nghị UBND tỉnh cũng như các cơ quan liên quan nên quan tâm, đầu tư việc mở rộng diện tích khai quật khảo cổ.

Ngoài ra, theo ông Chất cần có kế hoạch di dời các hộ dân đang sống ở khu vực phía tây chân núi Bân để tạo hành lang bảo vệ an toàn cho toàn bộ khu di tích. Có kế hoạch di dời khu nghĩa trang quanh đó để tạo lập cảnh quan, điểm nhấn cho toàn bộ không gian của vương triều Tây Sơn trên vùng đất Phú Xuân – Huế.

TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho biết, sẽ ưu tiên kế hoạch khảo cổ dài hạn cho di tích núi Bân. Ngoài ra, kiến nghị với UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng lưu ý các ý kiến mà các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra.

Theo ông Hải không riêng gì việc khảo cổ lần này mà khi nhắc đến triều đại Tây Sơn cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa, trong đó có rất nhiều nghi lễ quan trọng liên quan đến triều đại này như nghi lễ tế trời, lên ngôi, khải hoàn…

Bài, ảnh:Nhật Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …