Ban hành quy chế đánh giá đại biểu HĐND hàng năm
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Với tham luận “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Khuê cho biết, nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026, tỉnh đã bầu được 53 đại biểu HĐND tỉnh; chất lượng đại biểu được nâng lên rõ rệt. Nhiều đại biểu giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp; số đại biểu tái cử, có kinh nghiệm hoạt động tăng hơn so với nhiệm kỳ trước. 10 Tổ đại biểu HĐND tỉnh được thành lập bao gồm các đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị bầu cử; Tổ trưởng Tổ đại biểu được cơ cấu là các đồng chí Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình cụ thể của địa phương, lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa bàn nơi công tác nhằm đảm bảo Tổ đại biểu là cầu nối giữa cử tri và HĐND tỉnh.
Trong những năm qua, nhận thức được vị trí, vai trò của đại biểu và Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của đại biểu và Tổ đại biểu HĐND, trong đó chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Tại các Kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động, khoa học trong phân chia các tổ thảo luận tương ứng với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tế; có gợi ý thảo luận để các đại biểu, Tổ đại biểu có khung nội dung khi tiến hành thảo luận, đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, nhằm phát huy tối đa trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu, Tổ đại biểu HĐND, góp phần vào thành công của Kỳ họp HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên cũng chủ động xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh, trong đó nhấn mạnh công tác phối hợp để đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri trước các Kỳ họp HĐND tỉnh…
Nhấn mạnh chất lượng đại biểu HĐND là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, ông Phạm Văn Khuê cho rằng, trong công tác bầu cử đại biểu HĐND, Thường trực HĐND cần tham mưu cấp ủy trong việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu. Việc xây dựng cơ cấu đại biểu cần cân nhắc vừa bảo đảm tính cơ cấu, vừa bảo đảm chất lượng đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực; phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cấp, các ngành và toàn xã hội nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của HĐND và đại biểu HĐND. Đây cũng là cách tạo ra áp lực của dư luận xã hội đối với đại biểu HĐND, buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước xã hội và cử tri. Đồng thời, mỗi đại biểu HĐND phải chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thuộc trách nhiệm của người đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn của mình trên các lĩnh vực hoạt động của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Khuê cũng lưu ý đến việc ban hành quy chế đánh giá, nhận xét đại biểu hàng năm gắn với lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể; kịp thời khen thưởng, biểu dương những đại biểu có thành tích trong hoạt động của HĐND.
Đối với Tổ đại biểu HĐND, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Tổ đại biểu HĐND các cấp. Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh chủ động tham mưu giúp cấp ủy Đảng thường xuyên cho chủ trương, định hướng hoạt động của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giám sát với cơ quan nhà nước ở địa phương, tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp HĐND.
Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến hoạt động của HĐND nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu như: tăng mức hoạt động phí hàng tháng mà đại biểu HĐND được hưởng theo hướng quy định mức trần (phải cao hơn quy định hiện hành) và giao cho HĐND tỉnh quyết định mức cụ thể của từng cấp, tùy vào khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Sớm quy định cụ thể một số nội dung như: phụ cấp trách nhiệm đối với chức danh kiêm nhiệm của đại biểu HĐND các cấp; chế độ hoạt động phí cho người là đại biểu HĐND 2 cấp; xem xét ban hành chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để động viên, khích lệ đại biểu chuyên trách trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, cần hoàn thiện pháp luật hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Tổ đại biểu HĐND; trong đó, một số nội dung cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để hướng dẫn cụ thể hơn như: vai trò, nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ đại biểu HĐND; quy trình, thủ tục ban hành các văn bản kiến nghị nhân danh Tổ đại biểu HĐND…
Quy định cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND
Qua thực tiễn thực hiện tại địa phương, ông Sùng A Hồ, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Lai Châu đã nêu lên một số bất cập trong hoạt động tổ chức kỳ họp của HĐND các cấp.
Theo đó, việc quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND chưa được thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, rất khó áp dụng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là những nhiệm vụ cấp bách.
Tại Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND là đề xuất, chuẩn bị kỳ họp, tổ chức giám sát và một số công việc khác của Thường trực HĐND. Trong khi đó, một số văn bản luật và dưới luật thường quy định rất cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND, đặc biệt là Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh về điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trên cơ sở trình của UBND tỉnh; Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định việc điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND…
Ông Sùng A Hồ cho biết, Lai Châu là tỉnh khó khăn, 80% ngân sách tỉnh là do Trung ương phân bổ. Đối với những nội dung được ngân sách Trung ương bổ sung trong năm để thực hiện nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên phát sinh, theo quy định của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 phải tổ chức kỳ họp để phân bổ, bổ sung kinh phí cho các đơn vị triển khai, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, gây khó khăn cho UBND các cấp và các ngành trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, việc tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong một năm mang tính hình thức và gây lãng phí ngân sách. Cụ thể, năm 2021, HĐND tỉnh Lai Châu tổ chức 7 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ họp chuyên đề; có những kỳ họp chỉ quyết định một nội dung, ban hành 1 nghị quyết. Mỗi kỳ họp đều phải đảm bảo đúng quy trình tổ chức kỳ họp như họp liên tịch, xin ý kiến Ban Thường vụ, triệu tập đại biểu, tổ chức thẩm tra,… chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật như kỳ họp thường lệ.
Đáng chú ý, nhiệm vụ của Thường trực HĐND các cấp chưa tương xứng với vị trí pháp lý. Dẫn chứng quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Sùng A Hồ chỉ rõ, điều này chưa phản ánh hết vị trí, vai trò là cơ quan thường trực của HĐND; mà các nhiệm vụ của Thường trực HĐND chủ yếu là bảo đảm, duy trì để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trong khi đó, hầu hết các thành viên của Thường trực HĐND là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, là các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy- những người có vai trò tham mưu quyết định mọi quyết sách về kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Từ những vướng mắc, bất cập trên, ông Sùng A Hồ đề nghị, trong quá trình xây dựng và thông qua các dự án luật chuyên ngành, Quốc hội cần quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND các cấp để đảm bảo sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các công việc cấp bách phát sinh của chính quyền địa phương giữa hai kỳ họp HĐND.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trong thực tiễn hoạt động của HĐND, có nhiều vấn đề quan trọng hoặc cấp bách, phát sinh giữa hai kỳ họp liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh ở địa phương cần quyết định ngay. Trong khi đó, theo quy định của các luật và văn bản dưới luật, nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, thì phải đợi đến kỳ họp của HĐND tỉnh mới xem xét, quyết định. Sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.
Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến việc xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND; rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung cần thiết phải có sự phân quyền hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND xem xét, quyết định giữa hai kỳ họp, nhất là các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, quản lý đất đai, tài chính, các vấn đề cấp bách phát sinh; quy định cụ thể cách thức, trình tự thực hiện nhiệm vụ được HĐND ủy quyền giải quyết giữa hai kỳ họp và trách nhiệm của Thường trực HĐND khi quyết định các vấn đề đó…
TheoTin tức TTXVN