Thanh niên tham gia diễn đàn về sức khỏe sinh sản vị thành niên – thanh niên
Hiệu quả từ chiến dịch truyền thông
Năm 2022, Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai đến 100% địa phương cấp xã, trong tỉnh. Nhờ có sự chủ động phối hợp của các cơ quan liên quan, như: Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội KHHGĐ…, chiến dịch đã thu hút đông đảo người dân quan tâm, tham gia và hưởng ứng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về DS-KHHGĐ của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022.
Tại các địa phương, các trạm y tế đã tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền triển khai tốt chiến dịch, tổ chức Hội nghị triển khai chiến dịch lồng ghép với ký cam kết xây dựng cụm mô hình không sinh con thứ 3 trở lên ngay từ đầu năm. Từ đó, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các xã đã sớm tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các thôn và kết nối chặt chẽ với đội ngũ cộng tác. Chiến dịch đã phát huy tốt hiệu quả của các kênh truyền thông, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các dịch vụ DS-KHHGĐ. Trong đó, tập trung cao điểm vào các dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Dân số Thế giới 11/7, Ngày Tránh thai thế giới 26/9…
Bằng nhiều nguồn ngân sách khác nhau, riêng trong năm 2022, chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ DS-KHHGĐ từ các cấp đã huy động 748 triệu đồng. Phần lớn kinh phí này được ưu tiên hỗ trợ cho công tác truyền thông. Qua chiến dịch, các hoạt động tư vấn nhóm và tư vấn cộng đồng do các đơn vị triển khai đã có hơn 200 người triệt sản; hơn 18.300 người được cấp viên uống tránh thai; hơn 34.340 người được cấp bao cao su; hơn 7.800 người sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng… Chiến dịch cũng đã vận động được gần 24.300 chị em đến khám và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản; trong số đó, hơn 3.700 chị đã được điều trị tại cơ sở y tế.
Nâng cao chất lượng dân số
“Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2022. Đây cũng là một trong những mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt của Chiến lược Dân số – Sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2011-2020, hướng đến ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương khóa XII cũng nhấn mạnh các mục tiêu, chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH một cách bền vững.
Hiện nay tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao và gia tăng ở một số địa phương. Số trẻ em vị thành niên, thanh niên phá thai trên tổng số nạo phá thai vẫn còn cao và không giảm (số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho thấy, năm 2018 là 9,63% đến năm 2022 là 13,47%). Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, số con trung bình trên một phụ nữ Thừa Thiên Huế có xu hướng giảm, từ 2,34 con/phụ nữ năm 2019 xuống còn 2,25 con năm 2021 và có khả năng đạt mức sinh thay thế năm 2030. Tỷ số giới tính khi sinh cũng đang có xu hướng giảm mạnh, tiệm cận tỷ số bình thường. Năm 2018 là 112,6 đến năm 2022 là 108,7, vượt chỉ tiêu đề ra. Phụ nữ mang thai được tầm soát hàng năm vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trẻ sơ sinh tầm soát tăng mạnh và sẽ đạt kế hoạch năm 2030. Tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng (từ 71,8 tuổi năm 2019 tăng lên 72,3 tuổi năm 2021). Những kết quả này cho thấy sự cải thiện cơ bản tình trạng dân số và sức khỏe sinh sản của tỉnh hiện nay so với giai đoạn 2015-2017 và là yếu tố tích cực đối với sự phát triển KT-XH bền vững của tỉnh.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN