Đại dịch COVID-19 làm lộ nhiều bất cập về nhà ở cho công nhân

Nhà ở cho công nhân vừa thiếu vừa chưa phù hợp

Đại dịch Covid-19 trong lần bùng phát thứ 4 đã tấn công mạnh mẽ vào các vùng kinh tế, thành phố trọng điểm công nghiệp của đất nước làm hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.

Hình ảnh hàng chục ngàn công nhân và gia đình họ phải tháo chạy khỏi các khu công nghiệp để trở về quê, hoặc buộc phải ở trong các túp lều “thời chiến” để thực hiện “3 tại chỗ” cho thấy những bất cập và tồn tại trong chính sách và thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp liên quan đến đảm bảo đời sống công nhân. Xa hơn nữa là việc giải bài toán đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển công nghiệp và đô thị, giữa phát triển kinh tế và đảm bảo chất lượng sống cho người dân.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới sự bền vững còn hạn chế. Hạ tầng xã hội, bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động trong khu công nghiệp còn thiếu và chưa được gắn kết, đồng bộ với phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Điều này đã bộc lộ trong đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, cho thấy hầu hết các khu công các địa phương chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, nên không đảm bảo được việc thực hiện “3 tại chỗ”.

“Quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân nhiều nơi không có hoặc không được triển khai. Tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều khu nhà ở cho công nhân lao động song chưa thu hút được công nhân. Tuy giá thuê rẻ hơn 7 – 8 lần nhà trọ bên ngoài nhưng do mỗi phòng bố trí 10 – 15 người, khu phụ lại quá chật hẹp, bị khống chế thời gian đi về, đón tiếp bạn bè, người thân nên công nhân không vào thuê” – ông Trần Ngọc Chính nêu ví dụ.

Để thu hút công nhân lao động được tiếp cận với nhà ở xã hội theo ông Trần Ngọc Chính cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động. Bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Phát triển nhà ở công nhân đảm bảo an sinh và ứng phó với dịch bệnh

Tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các khu công nghiệp khoảng trên 50%, nhiều địa phương có tỷ lệ lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Chính vì vậy nhu cầu nhà ở của người lao động là rất lớn và bức xúc.

Chúng ta đã chứng kiến dòng người lao động “tháo chạy” khỏi các đô thị, khu công nghiệp khi dịch bệnh bùng phát. Thời điểm khôi phục sản xuất, tình trạng thiếu lao động diễn ra ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp.

Bài toán về an cư cho công nhân, nhà ở cho công nhân đảm bảo an sinh, đảm bảo lực lượng lao động trong phát triển và các điều kiện ứng phó với dịch bệnh được đặt ra. Chúng ta không thể áp dụng các điều kiện phòng dịch và sản xuất khi hầu hết người lao động sống trong những khu nhà trọ chật hẹp thiếu thốn các điều kiện sống cần thiết.

Ông Phan Trọng Hiếu – Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn nêu thực tế: “Hàng trăm nghìn công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu. Bên cạnh đó, tình trạng công nhân lao động ở xen kẽ trong khu dân cư dẫn đến lây nhiễm chéo, đây là nguồn lây lan nhanh ra diện rộng, làm cho công tác phòng chống dịch bệnh khó khăn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như sức sản xuất của nhiều doanh nghiệp”.

Phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động lưu trú hoặc thuê, thuê mua, mua nhà ở tại các khu công nghiệp, đồng thời, quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân cần được triển khai trong cả nước. Chúng ta cũng cần sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để thu hút và huy động được các nguồn lực trong xã hội cho việc xây nhà ở cho công nhân, ông Phan Trọng Hiếu cho biết thêm.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân Bộ Xây dựng đang thực hiện nhiều biện pháp và các đề xuất.

“Quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp (miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…) mang tính thực chất để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân. Ưu đại về thuế cho chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhà, ở cho công nhân. Bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại.

Sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp” – ông Hà Quang Hưng nói.

Theo Tin tức TTXVN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …