Cuộc lữ hành bên trong Huế qua tranh

Di sản kiến trúc Huế qua nét cọ của họa sĩ Lê Hữu Long

80 tác phẩm “Trực họa Huế” – cũng là tên chủ đề triển lãm của một nhóm họa sĩ trẻ đang sinh sống và làm việc tại “vùng đất thơ” không chỉ là một chuyến du hành mà còn là cách họ gửi tình yêu của chính mình từ tác phẩm cho đến đời thực.

Đắm chìm với di sản

Bước vào không gian triển lãm bên trong Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (Bảo tàng Mỹ thuật Huế, 15 Lê Lợi, TP. Huế) những ngày chia tay năm cũ 2022 để chào đón năm mới 2023, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến một Huế rộng lớn được thu nhỏ vào tác phẩm hội họa.

Tất cả đã được các họa sĩ thể hiện với nhiều cung bậc, phong cách và cảm xúc khác nhau, nhưng điểm chung đó là tình yêu với Huế.

Ấn tượng nhất đó là những tác phẩm trực họa về di sản Huế của họa sĩ Lê Hữu Long. Trực họa là niềm đam mê và đã được họa sĩ sinh năm 1988 theo đuổi trong nhiều năm qua.

Xem tranh của Long, người xem như bị hớp hồn bởi những mảng màu cổ kính, rêu phong không chỉ lột tả được những công trình kiến trúc nổi tiếng của xứ Huế từ bên trong Hoàng cung cho đến những đền đài lăng tẩm uy nghi, tráng lệ. Có những tác phẩm Long vẽ chi tiết đến từng hoa văn nhưng có tác phẩm Long chọn góc nhỏ để đặc tả…

Có những công trình kiến trúc di sản được Lê Hữu Long vẽ lui vẽ tới nhiều lần, tùy theo góc nhìn, không gian, thời gian. Đó có thể là Hiển Lâm Các, Ngọ Môn, trường lan… bên trong Đại Nội, nhà bia ở lăng Khải Định, hay cánh cổng dẫn lối vào bên trong lăng Đồng Khánh.

Người xem tranh như có một hành trình dạo chơi Huế với rất nhiều công trình kiến trúc di sản, phong cảnh được các họa sĩ thu vào trong từng tác phẩm

Họa sĩ Lê Hữu Long tâm sự, hội họa với bản thân là đam mê và trực họa là hành trình mà anh thể hiện niềm đam mê đó. Xúc động nhất trong Long đó là khi được vẽ những công trình kiến trúc đồ sộ, những di sản kiến trúc, văn hóa mà thế hệ tiền nhân đã tạo dựng và để lại. “Vì thế được đắm chìm trong từng nét vẽ, được vẽ những công trình di sản ấy với mình bao giờ cũng đầy cảm xúc. Cảm xúc trước cái đẹp, cảm xúc của hậu bối trước những vàng son của lịch sử…”, Long trải lòng khi đứng cạnh bên những “đứa con tinh thần” của mình để giới thiệu đến công chúng.

Cũng với tình yêu với Huế, những tác phẩm qua nét cọ họa sĩ trẻ Hoàng Bảo Trung thiên về những công trình kiến trúc tôn giáo và phong cảnh vùng quê ven biển bình yên với lối trực họa đi sâu vào chi tiết cùng gam màu ấm áp.

Chủ đạo trong hơn 10 tác phẩm được Trung trình làng lần này là các tác phẩm mà người xem có thể nhận ra ngay những ngôi giáo đường nổi tiếng với lối kiến trúc Tây phương tuyệt đẹp của vùng đất Cố đô như Đan viện Thiên An, nhà thờ Phủ Cam, hay nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ngoài ra, người xem cũng tìm thấy hình ảnh những bãi biển, đầm phá và con người ở vùng quê Lăng Cô của anh.

“Với mình, trực họa là cách mà mình cảm nhận được mây trời, màu sắc, không gian, thời gian trôi đi một cách rõ nhất. Và khi đứng trước không gian kiến trúc tôn nghiêm mình luôn có cảm giác vang vọng, sâu thẳm, mênh mang cùng đất trời kèm những lời nguyện ước”, Trung chia sẻ.

Để người xem hiểu thêm về văn hóa, con người Huế

Bằng quan sát của mình, họa sĩ Hoàng Bảo Trung đã “thu về” không gian của những ngôi nhà thờ từ trung tâm đô thị Huế cho đến ngoại ô có gì đó rất bình yên và tĩnh lặng.

Và anh ấn tượng nhất đó là tiếng chuông chiều. “Đó là lúc tìm cảm giác bình yên cho chính mình, cho những cầu mong tốt đẹp, qua tranh vẽ, giữa những bận rộn và nhộn nhịp của phố phường”, Trung tâm tình.

Cũng góp mặt trong trực họa Huế, các họa sĩ Trần Hữu Nhật, Nguyễn Trung Kiên, Võ Công Nhâm, Nguyễn Đăng Khoa Lộc cũng đã đem đến một góc nhìn “quen mà lạ, lạ mà quen” từ những cổng thành dẫn lối vào bên trong Thành nội cổ kính rêu phong, ga Huế – một công trình kiến trúc Pháp, một điểm dừng quen thuộc với không chỉ người Huế mà với lữ khách phương xa. Đâu đó là phố cổ Bao Vinh, Gia Hội hay những tuyến phố Phan Đăng Lưu… quen thuộc nhưng vẫn có gì đó hấp dẫn, ấn tượng khi được thu nhỏ vào toan.

Một ngôi giáo đường qua góc nhìn của Hoàng Bảo Trung

Họa sĩ Trần Hữu Nhật tâm niệm rằng, trực họa tức là vẽ ngay tại hiện trường, chủ yếu bằng bút pháp tả thực, thấy sao vẽ vậy. Và cụ thể ở đây đó là phong cảnh, kiến trúc di sản, con người, mùa màng, nếp sống, đời sống văn hóa, tâm linh Huế. “Trong hành trình trực họa, chúng tôi không khỏi giật mình nhận ra rằng “nghiện Huế ngay khi đang ở Huế” là có thật”, họa sĩ Trần Hữu Nhật trải lòng.

Đó không chỉ là cuộc chơi của cái đẹp, của sự tò mò khám phá mà còn xuất phát từ niềm đam mê về vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn của những người họa sĩ đem lòng yêu Huế.

“Chúng tôi hy vọng rằng không gian triển lãm “Trực họa Huế” sẽ mang đến cho công chúng và du khách sự hiểu biết thêm về giá trị văn hóa, nét đẹp cuộc sống và con người Huế qua góc nhìn hội họa với bút pháp tả thực, đồng thời sẽ tạo nên một không gian gặp gỡ thú vị và đầy ý nghĩa của những người cùng chung niềm đam mê nghệ thuật, trân trọng, bảo vệ và góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Triển lãm này còn là sự kết nối cộng đồng để từ đó nâng cao ý thức gìn giữ và bồi đắp các giá trị tốt đẹp của di sản”, họa sĩ Trần Hữu Nhật nói thêm.

Nhiều người đến thưởng lãm “Trực họa Huế” đã không khỏi trầm trồ bởi được sống trong một “bữa tiệc” với rất nhiều “món ngon” về vẻ đẹp của di sản và truyền thống Huế. “Phải yêu Huế lắm mới vẽ được vậy”, Nguyễn Tâm (TP. Huế) đã nhìn nhận như thế khi xem triển lãm.

Ở góc nhìn khác, nhiều người xem cho rằng, chính những tác phẩm này còn là cách để dùng cái đẹp bảo vệ, bảo tồn di sản, những giá trị độc đáo còn lại ở vùng đất Cố đô – nơi chính họa sĩ đang sống và được thụ hưởng một “chất liệu” độc đáo để sáng tác.

Bài, ảnh:NHẬT MINH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …