Công chức, viên chức mong chờ được tăng lương cơ sở

Nhiều công chức, viên chức mong được tăng lương cơ sở

Vào cuối năm 2019, Quốc hội đã ra Nghị quyết giao Chính phủ điều chỉnh, tăng lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.800.000 đồng/tháng, từ 1/7/2020. Điều đó có nghĩa là lương cơ sở sẽ được tăng khoảng 20,8%. Tuy nhiên sau đó, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến việc tăng lương. 3 năm qua, mức lương cơ sở vẫn dậm chân tại chỗ…

Chị Nguyễn Thị Huyền, viên chức làm việc đã 5 năm, nhưng tổng thu nhập hiện nay, theo tính toán của chị, chỉ rơi vào tầm 3,7 triệu đồng/tháng. Cụ thể, hiện chị Huyền có hệ số lương là 2,67 và mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng. Ngoài ra, chị không có khoản phụ cấp nào. “Với tổng thu nhập 3,7 triệu đồng/tháng, tôi khá chật vật cho việc thuê nhà, tiền điện nước, xăng xe và ăn uống. Chưa kể, những khoản chi tiêu khác như đi ăn cưới, giỗ, thăm người thân đau ốm… Những nhu cầu hưởng thụ văn hóa như xem phim, mua sách dường như phải nán lại”, chị Huyền cho biết.

Đồng lương viên chức eo hẹp, nhiều CCVC kinh doanh thêm bằng hình thức online. Cô Phan Thị Minh Châu, phường Phú Cát bày tỏ: “Giá cả những mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng; trong khi đó, lương cơ bản chưa được tăng, nên các giáo viên như chúng tôi khá vất vả. Ngoài giờ lên lớp, tôi cũng tranh thủ bán hàng online, lấy công làm lãi, ship từng món hàng để kiếm thêm thu nhập”.

Nhiều viên chức khéo tay, chọn cách làm các loại bánh hạt, bánh kem, kẹo nuga… để kiếm thêm thu nhập. Sau giờ làm, hai vợ chồng anh Phan Anh, chị Nguyễn Thị Hiền ở đường Lê Ngô Cát lại cần mẫn làm bánh trong căn bếp nhỏ. “Cả 2 vợ chồng có thu nhập từ lương tầm hơn 10 triệu, chúng tôi khá chật vật trong chi tiêu, do vậy làm bánh hand made như thế này với lượng khách vừa vừa cũng giúp chúng tôi có thu nhập trang trải cuộc sống”, chị Hiền tâm sự.

Nghe thông tin đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, chị Hiền tỏ ra vui mừng. “Ai cũng mong muốn được tăng lương, nhất là viên chức như tôi. – Tôi mong sớm được tăng lương, và tăng lương cơ sở từ đầu năm 2023 là hợp lý, không nên tăng muộn hơn nữa, 3 năm rồi viên chức chưa được tăng lương cơ sở” – chị Hiền phân tích.

Hiện nay, giá cả những mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng đã làm cho thu nhập thực tế của CCVC giảm xuống, gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt, đặc biệt với CBCNVC có thu nhập thấp, nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ. “Công chức trẻ chúng tôi hầu như không thể có tích lũy. Muốn mua chiếc điện thoại, hay các vật dụng gia đình đều phải vay ngân hàng hoặc trả góp hàng tháng”, chị Huyền tâm sự.

Ông Hoàng Trọng Lam, Trưởng ban Chính sách pháp luật – Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Với cán bộ, CCVC, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1/7/2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng. Người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 3.250.000đ lên 3.630.000đ vào tháng 7/2022. “Sau 3 năm không tăng, mức tăng lương cơ sở đề xuất là từ 1.490.000 đồng lên 1,8 triệu đồng, tương đương với 20,8% là phù hợp”, ông Lam phân tích.

Ông Lam cũng cho rằng, người lao động nên được tăng lương sớm ngay từ đầu năm 2023, vì hiện nay giá cả những mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng. Việc tăng lương sớm còn kịp thời động viên lực lượng CCVC cũng như bù đắp cho họ phần chi phí sau thời gian chống dịch COVID-19.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …