Có siêu lợi nhuận?

Theo nguồn tin từ Báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ký quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Hình thức là cảnh cáo. Bài viết này không đề cập đến những sai phạm của ông Thái để dẫn đến hình thức kỷ luật cảnh cáo, mà quan tâm đến hoạt động kinh doanh của nhà xuất bản này.

Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật cảnh cáo. Ảnh: doisongphapluat.com

Theo nguồn tin của Báo Thanh Niên, có vẻ như sản xuất và kinh doanh sách giáo khoa đưa lại “siêu” lợi nhuận. Như năm 2021, Nhà xuất bản có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân 39,9%. Không biết còn có ngành nào kinh doanh thu được lợi nhuận cao như vậy không? Nhưng nếu có thì có lẽ cũng không nhiều!?

Lý do đầu tiên của việc kinh doanh có hiệu quả có thể là nhờ tài năng điều hành sản xuất kinh doanh. Nhưng đối với một đơn vị có thể nói là đặc thù, được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tổ chức thực hiện “sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới”, cũng có thể hiệu quả là nhờ lợi thế – nắm phần lớn thị phần phát hành sách giáo khoa, con số được công bố là từ 60% -70%.

Do tính đặc thù của một nhà xuất bản liên quan đến một lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội nên cần sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước là điều không có gì phải bàn. Thế nhưng, hiệu quả ở đây chúng ta thấy “bóng dáng” của tính chất “một chợ mà ít người tham gia”. Hiểu một cách khác là lợi thế của một thị trường tự do cạnh tranh hoàn toàn chưa hình thành đầy đủ. Tức là còn được chi phối rất lớn của yếu tố hành chính. Chuyện giá cả ở đây chưa hẳn phản ánh trung thực về giá trị là chuyện có thể xảy ra. Chúng ta thấy bóng dáng của một thị trường thiếu minh bạch và tính cạnh tranh.

Đã kinh doanh thì ai cũng mong muốn thu được lợi nhuận cao, nhưng kinh doanh trong ngành giáo dục, một ngành có liên quan đến toàn dân, từ người giàu đến người nghèo, lại là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo kinh doanh đạt lợi nhuận quá cao, đặc biệt là mảng phát hành sách giáo khoa chưa hẳn là điều tốt cho xã hội. Ai mua sách giáo khoa – học sinh và phụ huynh chứ ai. Với hàng triệu học sinh trong cả nước, chúng ta đã thấy “cái chợ này” nhu cầu hàng năm lớn như thế nào. Đó là chưa nói đến nhiều loại sách khác – như sách bài tập, sách tham khảo… mà loại sách nào hàng năm cô giáo, nhà trường “bán kèm” với danh nghĩa tự nguyện cũng đều mang tiếng. Thói thường, đã là thị trường, một bên thu lãi cao thì có một bên phải mua hàng hóa với giá đắt. Người mua ở đây chính là phụ huynh và học sinh – một khách hàng đáng lý là phải được hỗ trợ, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp thì chúng ta lại thu lợi nhuận cao. Nói đạt lợi nhuận cao trong ngành giáo dục chưa hẳn đã tốt cho xã hội là lý do đó.

Quản lý như thế nào để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, vừa đảm bảo biên lợi nhuận cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, hài hòa giữa các yếu tố kinh tế – xã hội và thị trường là việc của điều hành Nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó cũng giống như chuyện chúng ta nói “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức là thị trường đấy nhưng không phải thị trường hoàn toàn. Đối với ngành giáo dục rất cần sự định hướng này.

Nguyên Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …