Có phải là nghịch lý?

Niềm tin của các doanh nghiệp (DN) châu Âu về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam giảm trong quý III vừa qua. Thế nhưng có đến 42% DN có ý định tăng vốn đầu tư ở Việt Nam. Điều này có mâu thuẫn?

Có 4 yếu tố mà nhà đầu tư châu Âu lo ngại; đó là những khó khăn về hành chính, hạ tầng, nguồn nhân lực và rào cản về thị thực cho các chuyên gia nước ngoài; trong đó 2 yếu tố đầu tiên làm cho các DN châu Âu lo ngại nhất. Theo một khảo sát do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện và công bố về Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI), lần lượt 2 yếu tố đầu tiên là 68% và 53% DN tỏ ra lo ngại. Lo ngại nhưng như trên đã nói có đến 42% DN được khảo sát cho rằng họ kỳ vọng DN họ sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Điều này có thể lý giải bởi các yếu tố như sau: So với nhiều nước ở khu vực, Việt Nam vẫn là một sự lựa chọn tốt để rót vốn đầu tư. Tuy còn gặp một số khó khăn nhưng những khoản đầu tư vào Việt Nam đều sinh lãi hoặc sinh lãi cao theo kỳ vọng của DN. Như ở Thừa Thiên Huế, Công ty Scavi (Pháp) đã hoạt động nhiều năm trên địa bàn tỉnh và liên tục tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động. Và mới nhất vào đầu năm nay, công ty tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD. Như vậy, chúng ta thấy yếu tố lợi nhuận vẫn là một sự hấp dẫn đối với DN.

Trong tương quan so sánh với một số nước trong khu vực, Việt Nam ngày càng tỏ ra lợi thế. Việt Nam có nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định. Như năm 2022, trong bối cảnh có nhiều biến động về nhiều mặt trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn giữ ổn định, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Trong quý III vừa qua, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục, được cho là cao nhất trong vòng 12 năm qua, với mức tăng trưởng riêng quý III là 13,67%.

Về thủ tục hành chính và hạ tầng tuy còn nhiều trắc trở nhưng vẫn trong chiều hướng ngày càng được cải thiện tốt hơn. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ cũng thể hiện rất rõ.

Mặc dù là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp (thứ 127), nhưng nước ta vẫn đạt vị trí 70 về Môi trường kinh doanh năm 2019 (tăng 20 bậc so với năm 2015) và thứ 67 về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (tăng 10 bậc so với năm 2018). Nhiều chỉ số khác như hiệu quả logistics tăng 25 bậc, xếp thứ 39; đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc, xếp thứ 42. Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Không ít chỉ số, tiêu chí cụ thể của nước ta được ghi nhận tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, xếp thứ 27; ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc, xếp thứ 41…

Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025: Năng lực cạnh tranh 4.0 thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; Năng lực cạnh tranh du lịch thuộc nhóm 50 nước đứng đầu…

Ngoài ra những ưu đãi thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn là một sự hấp dẫn đối với các DN.

Nguyên Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …