Chuyển nước, cắt lũ & niềm vui của người dân vùng thấp trũng

Vùng rốn lũ huyện Quảng Điền hễ mưa là ngập lụt (ảnh minh họa). Ảnh: Bảo Phước

Người dân vui là bởi bao nhiêu năm qua, ở những địa bàn thấp trũng như Quảng Điền, Hương Trà và nhiều xã ở vùng Ngũ Điền, Phong Chương, Phong Hòa, Phong Bình… của huyện Phong Điền hễ cứ nghe mưa là sợ. Họ sợ là phải, bởi đa phần là nhà cửa đơn sơ, cốt nền thấp, mưa là ngập. Mà mỗi lần ngập lụt là bao nhiêu cái khổ. Vừa phải kê dọn, vừa lo đàn heo, gà, vừa thương vườn rau, ao cá… Ai ở vùng thấp trũng thì thấm thía nhất việc này.

Nhớ trận lũ lịch sử năm 1999, chỉ sau một đêm, căn nhà gỗ của ba mẹ tôi chỉ còn trơ trụi vài cái cột. Công sức bao nhiêu năm cuốn theo con nước. Không thể tả hết nỗi buồn, nỗi bất lực của họ khi đứng trước cơ ngơi gầy dựng hơn nửa đời người. Rồi nhọc nhằn cũng đi qua, họ vẫn phải gượng dậy để làm lại từ đầu, nhưng có điều vẫn không thể thay đổi là cứ mỗi mùa mưa lũ tới vẫn nơm nớp lo sợ.

Cũng may là từ sau cơn đại hồng thủy đó, những trận lũ sau có phần nhẹ vơi, như là cách mà ông trời muốn cân bằng bớt cái khổ cho những vùng thấp nghèo khó. Thế nhưng, điệp khúc dọn lũ vẫn diễn ra hàng năm và mới đây nhất là hai cơn lũ cũng không kém độ tàn phá, hư hại, nhất là với hoa màu, cây cối, nhà cửa… cuối năm 2020 và 2022.

Đó cũng có lẽ là niềm thôi thúc buộc các ngành/người có trách nhiệm nghĩ đến giải pháp làm thế nào để cắt bớt lũ cho vùng thấp trũng, rốn lũ Quảng Điền, Hương Trà và cũng là cách để giảm lũ cho một số xã ở Phong Điền. Và giải pháp chuyển nước mới nghe có vẻ hơi phi thực tế, nhưng khi được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích, phân tích thì rất ổn và khả thi.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, để chuyển nước thì phải cùng một lưu vực sông. Lợi thế là sông Bồ và sông Hương hiện có cùng lưu vực và cùng chảy về ngã ba Sình trước khi chảy về đập Thảo Long, rồi ra phá Tam Giang trước khi hòa vào biển qua cửa biển Thuận An, nên sẽ là điều kiện đầu tiên để thực hiện việc chuyển nước.

Thế nhưng, điều người dân quan tâm là tại sao cùng lưu vực nhưng mực nước sông Bồ luôn cao hơn sông Hương tầm 1m trong các đợt lũ lụt vừa qua? Theo ngành nông nghiệp, ngoài nằm ở vị trí tương đối thấp trũng, địa hình sông Bồ còn có nhiều đoạn khúc khuỷu, uốn lượn theo hình dạng ruột gà nên cản trở rất lớn đến dòng chảy. Dó đó, mỗi khi mưa lũ nước thoát nước rất chậm dẫn đến ngập úng kéo dài. Bên cạnh đó, tác động của con người cũng khiến sông hói bồi lấp. Việc nạo vét khơi thông chưa được tiến hành thường xuyên… cũng là những nguyên nhân khiến vùng hạ du sông Bồ thường xuyên ngập úng.

Từ những cơ sở đó ngành nông nghiệp và Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tính toán đến các giải pháp nhằm chuyển nước từ sông Bồ sang sông Hương để cắt lũ cho vùng hạ du sông Bồ, với điều kiện ít ảnh hưởng nhất đến vùng hạ du sông Hương. Theo đó, các nghiên cứu đã tính đến và đưa ra giải pháp cơ bản vẫn là nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh, hói ở hạ lưu sông Bồ. Dù vậy đây cũng chỉ là những tính toán bước đầu. Trong quá trình triển khai sẽ còn nhiều yếu tố, kịch bản, giải pháp phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế nhằm mang lại hiệu quả giảm lũ cao nhất.

Dù vậy, thông tin chuyển nước từ sông Bồ sang sông Hương được người dân đánh giá cao và kỳ vọng sẽ thay đổi được tình trạng ngập úng trong tương lai. Khi ngập lũ bớt đi, người dân sẽ tính tới các phương án nuôi trồng thủy sản trái vụ có giá trị kinh tế cao, trồng những loại hoa màu có chất lượng tốt hơn nữa… Nghĩa là cơ hội phát triển kinh tế – xã hội vùng ven phá cũng được mở ra nhiều hơn.

Việc này nếu nhân rộng ở cả những con sông có cùng lưu vực khác trên địa bàn cũng sẽ là một gợi ý được người dân mong chờ.

Tâm Huệ

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …