Cốt lõi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) là chuyện vì cộng đồng – từ việc san sẻ một phần cho cộng đồng thông qua tài trợ; tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động, sản xuất kinh doanh có trách nhiệm với khách hàng, với môi trường…
Chúng ta nhìn vào các tập đoàn lớn ở Việt Nam sẽ thấy rất rõ điều này. Hàng năm, họ tài trợ rất nhiều tiền cho các chương trình cộng đồng và nhiều DN đưa vào cả chiến lược phát triển dài hạn. Thế giới còn xây dựng cả một ISO (Hệ thống quản lý của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế) về trách nhiệm cộng đồng của DN – ISO 26000. Ngay như việc phòng, chống tham nhũng, thế giới cũng xây dựng một bộ tiêu chuẩn gọi là ISO 37001.
Nhiều doanh nhân cho rằng, thực hiện tốt điều này chẳng những tốt cho cộng đồng mà nó góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu DN – tức là một loại tài sản vô hình nhưng rất có giá trị, thương hiệu càng mạnh thì giá trị càng lớn.
Hiểu một cách nôm na, trách nhiệm xã hội là việc cho đi một thứ gì đó và nhận lại nhiều điều tốt đẹp. Cho là để tài trợ; nhận là sự quý trọng, cảm mến và cả một thứ có thể quy ra vật chất, như trên đã nói – đấy là sự định dạng thương hiệu. Chính những điều này đã thúc đẩy nhiều DN làm.
Có một dạng, DN cũng là cho đi nhưng chưa hẳn mang ý nghĩa tốt đẹp như nói trên, thậm chí là mục đích ngược lại. Và có thể nói không quá lời thì đó là một sự núp bóng trách nhiệm xã hội của DN.
Vấn đề thời sự hiện nay là chuyện Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) cho hàng loạt các trung tâm phòng, chống bệnh tật (CDC) mượn máy móc thiết bị chống dịch. Nếu như không có chuyện ngành công an “khui” ra những bê bối của việc mua bán test kít xét nghiệm COVID-19 thì rất có thể, chúng ta cũng hiểu việc này là thể hiện một phần trách nhiệm của DN.
Về mặt hình thức, đây cũng là sự “cho đi”. Thế nhưng cái phần nhận lại thì trái ngược với trách nhiệm xã hội của DN mà chính vì túi tiền của mình, vì cộng đồng không nhận được gì mà còn bị mất thêm. Phần nhận lại của Việt Á, như chúng ta biết, nâng giá vô tội vạ giá test kít xét nghiệm để hưởng lợi.
Về mặt bản chất, đây là việc cấu kết bán mua hai bên cùng có lợi nhưng cộng đồng thì thiệt hại. Những người nhận “hoa hồng” bị khởi tố, bị bắt là chuyện đã đành, vậy mà có những người nhận hàng trăm triệu đồng lại “ngây thơ” bảo rằng không biết đó là chuyện lại quả mà cứ nghĩ là quà tặng! Chuyện hiến tặng đất làm đường đi để được tách thửa ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng tương tự như vậy.
Một bài học có lẽ cần rút ra ở đây là, phải xem xét kỹ động cơ của DN khi cho, tặng và kể cả như chuyện cho mượn như trường hợp nói trên. Anh cho cái này nhưng ngay sau đó, hoặc một thời gian sau đó anh nhận lại một cái gì khác liên quan (có thể lớn hơn) thì đó là những biểu hiện cần đặt ra câu hỏi. Vì sao Công ty Việt Á cho mượn nhiều máy móc thiết bị, họ quá giàu hay là họ có động cơ gì? Nếu như không được tách thửa thì người dân ở Bảo Lộc có hiến đất không…?
Chuyện hoa hồng, quà cáp để dành lấy sự ưu tiên trong các hợp đồng là chuyện không mới mẻ ở Việt Nam, hầu như ở lĩnh vực nào cũng có mà nhiều nhất là liên quan đến tài sản công (như đất đai, tài nguyên khoáng sản…), đầu tư công (đầu tư hạ tầng, mua sắm công…). Chúng ta thấy có mối liên hệ giữa công và tư. Động cơ của bên tư thì đã rõ. Còn bên công cần thiết kế việc giám sát làm sao để đọc được động cơ ấy cũng là điều quan trọng!
Bên cạnh việc thực hiện ISO 26000 thì cũng đồng thời thực hiện ISO 37001. Thế giới đã dày công thiết kế các ISO – tiêu chuẩn ở nhiều lĩnh vực và Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều như ISO 9001 về quản lý chất lượng, ISO 14001 hệ thống quản lý môi trường…
Lê Nguyễn