Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài được tổ chức trực tiếp diễn ra cuối tuần qua, một thông tin khá thú vị được các nhà đầu tư nước ngoài nêu là họ đánh giá rất cao thương hiệu của Việt Nam, khi Việt Nam là nước đứng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Với thành tích này, ông Tim Evans, CEO HSBC nói rằng, cần phải quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới với các nhà đầu tư. Bởi đây là một trong những lợi thế rất đáng được quảng bá để kêu gọi đầu tư. Điều này cũng được ông Marukawa, đại diện Công ty TNHH Panasonic Việt Nam nhấn mạnh.
Ông cũng nói rằng, rất ấn tượng và được truyền cảm hứng bởi sức bền bỉ, khả năng phục hồi của đất nước Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Những nhà đầu tư, chuyên gia này ngoài đang thực hiện dự án tại Việt Nam hoặc làm cố vấn cho một số chương trình, dự án tại Việt Nam cũng đang thúc đẩy, kêu gọi hoặc có ý định mở rộng việc đầu tư tại Việt Nam.
Cũng tại hội nghị nêu trên, chúng tôi chú ý thông tin đến từ Tổng Giám đốc CMA-CGM về việc tập đoàn này đang có ý định phát triển hạ tầng và mở các tuyến vận chuyển mới ở một số tỉnh thành của Việt Nam. CMA-CGM là tập đoàn toàn cầu trong các giải pháp về cảng biển, đường hàng không và logistic. Họ đã triển khai dịch vụ ở 420 cảng trên khắp thế giới.
Ở Việt Nam, Tập đoàn CMA-CGM đang khai thác 31 dịch vụ vận chuyển trên 7 cảng khác và đang nắm giữ cổ phần tại cảng Gemalink ở Cái Mép và cảng VICT ở TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, thông tin khác lại khiến chúng tôi có chút chạnh lòng, là trong ý định tìm kiếm các cảng nước sâu để mở rộng đầu tư vào Việt Nam không thấy nêu cảng nước sâu Chân Mây, trong khi Thừa Thiên Huế lại có thế mạnh về cảng biển. Thay vào đó là các cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đồng Nai, Bình Dương. Thế nên, Thừa Thiên Huế cần tận dụng cơ hội này để quảng bá, giới thiệu và kêu gọi đầu tư vào cảng Chân Mây. Nếu kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư về các dịch vụ cảng biển, vị thế Thừa Thiên Huế sẽ nâng lên. Đó cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Thông tin quan trọng khác cũng được các DN tham dự hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu và hiến kế cho Việt Nam trong quá trình đầu tư phát triển là định hướng đầu tư xanh, tăng trưởng xanh. Bởi đây là hướng đầu tư được lựa chọn nhiều hơn sau đại dịch, trong đó, ngoài yếu tố về môi trường còn có yếu tố an toàn dịch bệnh và ổn định về địa chính trị. Thật ra, điều đó trong chỉ đạo và điều hành nhiều lần đã được Thủ tướng Chính phủ lưu ý với các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Đây cũng là một trong những chủ trương được ưu tiên trong kêu gọi đầu tư của Thừa Thiên Huế. Hơn nữa, Thừa Thiên Huế cũng có nhiều lợi thế về lĩnh vực này, khi TP. Huế nhiều lần được bình chọn là thành phố xanh quốc gia. Huế cũng là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước. Về mặt hạ tầng, đô thị Huế cũng không quá thiếu không gian xanh. Đó cũng là một lợi thế. Song, điều quan trọng vẫn là từ chủ trương, chính sách trong kêu gọi đầu tư. Lợi thế nữa là Thừa Thiên Huế nhất quán chọn đầu tư xanh, tăng trưởng xanh và không đánh đổi môi trường để lấy dự án. Đó cũng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Vấn đề còn lại là làm thế nào để có thêm nhiều nhà đầu tư đến Huế, nhất là những nhà đầu tư chất lượng cao? Có lẽ ngoài chủ trương “xanh” cũng cần cả hành động “xanh”.
TÂM HUỆ