Cũng đã khá lâu, ra Tết, Huế mới có mưa to và rét kéo dài như thế này. Trước Tết, thời tiết cũng không mấy thuận lợi, đã ảnh hưởng đến việc trồng, chăm sóc hoa và rau màu vụ đông của nông dân.
Theo quy luật hàng năm, sau Tết trời đất thường ấm, là dịp để nông dân ra đồng chăm sóc lúa đông xuân và làm đất khô để trồng lạc, sắn, khoai lang, ngô, đậu và rau màu các loại. Nhưng năm nay, thời tiết đã không thuận.
Đáng lo hơn, do mưa to kéo dài đã làm hàng ngàn ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng, tập trung tại các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và những cánh đồng thấp trũng ở nhiều địa phương. Trong lúc, công tác đấu úng gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo một số hợp tác xã, do mưa không ngớt đã duy trì lượng nước trên đồng khá lớn, hệ thống đê bao lại không đảm bảo, nước trong các khu dân cư còn tràn ra, khiến việc tiêu úng rất chậm…
Qua kiểm tra thực tế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã chỉ đạo các địa phương huy động tối đa nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu để tiêu úng thoát nước nhanh những diện tích đang bị ngập. Có phương án hướng dẫn, hỗ trợ bà con gieo sạ lại những diện tích lúa bị mất trắng, giảm thấp nhất thiệt hại cho bà con trong vụ lúa đông xuân…
Thời tiết diễn biến thất thường, trái quy luật, đã diễn ra từ nhiều năm nay, mà nguyên nhân được cho do biến đổi khí hậu. Nhớ lại vụ đông xuân năm ngoái cũng không mấy thuận lợi bởi thời tiết. Ngay từ cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022, một đợt không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao gây mưa lớn trên diện rộng làm hơn 20.000ha lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Chưa hết, vào đầu tháng 5/2022, một đợt không khí lạnh trái mùa khác tràn vào gây mưa gió lớn làm hơn 8.000ha lúa đông xuân đã chín bị đổ rạp, ngập úng…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, rét đậm, rét hại còn xảy ra, tập trung trong nửa cuối tháng 1 và tháng 2/2023; đồng thời, trong năm 2023, dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền; nắng nóng sẽ ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022…
Việc nắm chắc các diễn biến của thời tiết để có sự chủ động ứng phó trong sản xuất là hết sức cần thiết; nhất là việc hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, công tác này đã được lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương, ngành nông nghiệp và người dân quan tâm. Việc thu thập, khảo nghiệm, xác định các loại giống mới năng suất, ưu điểm vượt trội, ít sâu bệnh, chống chịu với thời tiết, thích hợp với từng chân đất của địa phương được áp dụng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trên địa bàn hiện đạt 94%; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ tiếp tục phát triển với hơn 55.900m2 nhà lưới, 7.000ha sản xuất theo VietGAP, 245ha theo hướng hữu cơ…
Tuy nhiên, trên thực tế con số này cần phải được duy trì và phát triển hơn nữa để thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu; nhất là tiếp tục đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động khắc chế kiểu thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất, nhằm đảm bảo năng suất và sản lượng.
ĐẶNG THÀNH