Chủ động nguồn nhân lực

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương tập trung xây dựng nguồn lao động chất lượng cao (CLC). Theo Thủ tướng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cần nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, ngày càng tiệm cận với khu vực và thế giới, dần dần thay thế cho các vị trí, công việc do chuyên gia nước ngoài đảm nhận…

Một trong những tồn tại lớn về nguồn nhân lực của chúng ta lâu nay là tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Nổi cộm nhất là lượng người tốt nghiệp đại học mỗi năm ra trường quá đông, trái ngành, khó tìm được việc làm phù hợp; thậm chí nhiều em phải giấu tấm bằng cử nhân để vào làm việc trong các công ty dệt may, nên chất lượng tay nghề không thể bằng những công nhân được đào tạo trực tiếp từ nghề may! Ở mức độ cao hơn, nhiều công trình, dự án như lọc hóa dầu, hầm đường bộ, đường sắt trên cao hay những công trình, dự án đòi hỏi kỹ thuật cao … lâu nay chủ yếu do các chuyên gia nước ngoài đảm nhận.

Tín hiệu vui là những tồn tại này đang được các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương nhận ra và từng bước khắc phục. Việc phân luồng học sinh sau THCS nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đã được ngành giáo dục và đào tạo áp dụng. Trước đó, qua tuyên truyền, nhiều học sinh đã mạnh dạn chọn trường nghề, để định hướng cho tương lai của mình. Và hầu hết, các em sau khi tốt nghiệp trường nghề đều tìm được việc làm, thu nhập ổn định.

Tuy nhiên việc định hướng, đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua vẫn chưa đáp ứng xu hướng thị trường lao động, còn mất cân đối giữa các ngành. Riêng ở Thừa Thiên Huế, số liệu tại Hội thảo “Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực CLC của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” do UBND tỉnh tổ chức hồi năm ngoái cho thấy, tính đến cuối năm 2020, có 66,38 nghìn việc làm của nguồn nhân lực CLC ở nhóm ngành dịch vụ, chiếm 82,23% tổng số. Trong khi đó nhóm ngành công nghiệp – xây dựng có khoảng 12,62 nghìn việc làm, chiếm 15,64% và nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp và thủy sản chỉ có 1,72 nghìn việc làm, chiếm 2,13% tổng việc làm của nguồn nhân lực CLC. Bên cạnh đó, tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực CLC vẫn diễn ra mà nguyên nhân chủ yếu là môi trường làm việc, thu nhập chưa tương xứng.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 488/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực CLC năm 2023 với mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực tỉnh đảm bảo không ngừng nâng cao về chất lượng và số lượng, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, phấn đấu trên 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề nghiệp và đại học đạt trình độ chuyên môn, tay nghề đáp ứng yêu cầu thực tế của nhà tuyển dụng…

Đây cũng là giải pháp để hướng đến làm chủ về lao động, làm chủ về việc làm; nhất là khi Việt Nam đang hướng đến nền công nghiệp hiện đại và đang thu hút nhiều nhà đầu tư.

Đặng Thành

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …