Chống biểu hiện thực dụng trong cán bộ, đảng viên

Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết trung ương 4 khóa XII. Ảnh: dangcongsan.vn

1. Thực dụng thường đi với tham danh vọng, địa vị, cố leo lên các chức vụ cao, sẵn sàng “chạy chức, chạy quyền” nhằm đạt được mục đích của mình. Trong công việc, ngoài mặt thì tỏ ra tích cực nhưng đằng sau chỉ cốt làm cho xong việc, gặp khó khăn thì tìm cách đùn đẩy, thành tích thì tranh công, khuyết điểm tìm cách đổ lỗi. Thậm chí một số có chức, quyền còn dung dưỡng, bao che cho tội phạm, hành vi sai trái chỉ vì những đồng tiền phi pháp. Trong xử sự chỉ chú tâm quan hệ chặt chẽ, thân thiết với người đem lại lợi ích cho mình, khi không còn thì nhanh chóng phai nhạt. Trong số trẻ hiện nay, tuy không phải là số đông, nhưng vẫn có người vào Đảng không phải vì mục tiêu phấn đấu cho lý tưởng mà pha lẫn động cơ cá nhân về quyền lợi chính trị.

Những cán bộ, đảng viên khi đã tiêm nhiễm căn bệnh thực dụng mang nặng động cơ cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong mọi mặt họ không còn giữ được “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; gương mẫu, tiền phong của người cán bộ. Vì không muốn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” nên “cho mình quyền” độc đoán, chuyên quyền, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: Hẹp hòi, tham lam, kiêu ngạo, háo danh, xu nịnh, quan liêu… Trong các mối quan hệ với cấp dưới tự cho hơn người, xa rời và “làm thầy quần chúng” nên những vị “cha mẹ dân” này không mấy khi quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng, những người xung quanh. Chính vì vậy luôn xem mình là trung tâm, xem quyền lợi bản thân là cao nhất mà không quan tâm đến lợi ích của đất nước và cộng đồng. Khi đã nảy sinh căn bệnh thực dụng thì tinh thần đấu tranh, giữ gìn nhân cách đạo đức của người mang danh cộng sản bị giảm sút nghiêm trọng.

Thực tế, có không ít cán bộ, đảng viên lời nói không đi đôi với làm, nói và làm trái ngược nhau. Họ tự cho mình cái quyền được “lên lớp” rao giảng, dạy dỗ người khác bằng những ngôn từ hoa mỹ, nhưng việc làm của bản thân lại hoàn toàn trái ngược. Trên các diễn đàn thường được nghe những lời “đại ngôn” tưởng chừng như không có gì tốt hơn, nhưng đằng sau là một loạt suy tính, mưu mô làm cái gì có lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích… Không lạ gì khi cựu Bộ trưởng Y tế, Bộ Khoa học công nghệ “phán” trước các hội nghị chống dịch phải làm việc này việc khác có lợi cho dân, phải chịu trách nhiệm… nhưng chính họ đã lợi dụng tình thế cấp thiết của cơ chế để làm trái từ mua sắm trang thiết bị đến cái kit test COVID-19… Mới đây, cả bộ sậu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai từ bí thư đến chủ tịch, là những người có trách nhiệm đã không ít lần “thuyết giáo” về đạo đức nhưng vẫn chìa tay ra nhận hối lộ 14,5 tỷ đồng cho mỗi người trong đấu thầu dự án của bệnh viện đa khoa với Công ty AIC. Những hành vi đó không thể nói có gì hơn là căn bệnh thực dụng hết sức xấu xa!

2. Lối sống thực dụng hình thành từ trong tư tưởng, nhận thức, được thể hiện thông qua hành động của từng chủ thể. Từ những con người từng phấn đấu, được bổ nhiệm chức vụ cao nhưng khi bị tác động bởi lối sống thực dụng đã làm cho họ bất chấp lợi ích của tập thể. Nếu không xác định lợi ích chung và riêng, giữa cống hiến và hưởng thụ, dần dần suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là khó tránh khỏi. Câu nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” chứa đựng sự tin tưởng của Nhân dân đã mất dần ý nghĩa, bị đàm tiếu, mỉa mai, chê trách và không thiếu những ánh mắt căm ghét từ người dân. Thế hệ lãnh đạo lớp trước khi được hỏi đã không khỏi lo lắng về lối sống tiêu cực hiện nay của một bộ phận đảng viên trẻ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Những biểu hiện đó đã làm tổn thương đến danh dự, sự hy sinh xương máu của những người đã xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng,vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã giáo dục, rèn luyện một lớp thế hệ đảng viên kiên trung, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Có rất nhiều câu chuyện về lối sống cao đẹp của cán bộ, Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ ở những nơi chiến tranh ác liệt nhất. Người dân ở vùng Quảng Bình, Vĩnh Linh khi bị máy bay ném bom phá đường đã sẵn sàng lấy nhà của mình lấp hố bom cho xe ra tiền tuyến, với khẩu hiệu: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Anh hùng Ngô Thị Tuyển, chỉ nặng 48kg nhưng đã vác trên vai 2 thùng đạn nặng 94kg, chỉ vì nôn nóng có thêm nhiều đạn cho trận địa pháo. Anh hùng Nguyễn Viết Sinh (người Nghệ An), chiến sĩ giao liên đường Trường Sơn, trong 4 năm đã gùi trên vai 55 tấn hàng, đi bộ 40.025 km (xấp xỉ 4 vòng xích đạo quả đất). Việc tưởng đơn giản nhưng khó ai vượt qua được kỷ lục đó. Với ông chỉ suy nghĩ đơn giản: “Mỗi cân hàng là đồng bào miền Nam bớt đổ máu, mỗi viên đạn là một quân thù…”. Những điển hình đó và hàng trăm ngàn tấm gương hy sinh trong chiến đấu rất đáng trân trọng. Họ đã rất “thực dụng” khi chỉ nghĩ về đất nước và đồng bào của mình trong những thời điểm khó khăn, gian khổ nhất!

Rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, thói thực dụng là lương tâm, trách nhiệm, gắn với bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.

NGUYỄN AN HÒA

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …