Chỉ còn chưa đầy nửa tháng là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp đã công bố phương án và bắt đầu chi thưởng tết cho người lao động. Dù năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của biến động thị trường thế giới, nhưng các doanh nghiệp đã cố gắng dù ít dù nhiều đều có thưởng tết cho người lao động để tri ân một năm người lao động gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp.
Thưởng tết là cách gọi chung các khoản ngoài lương mà doanh nghiệp chi cho người lao động trong dịp Tết cổ truyền. Bản chất các nguồn thưởng mà doanh nghiệp dành cho người lao động vào dịp cuối năm là trích từ nguồn lợi nhuận mà công ty có được trong một năm.
Theo pháp luật lao động Việt Nam hiện hành, không có quy định nào bắt buộc thưởng tết cho người lao động (trừ trường hợp có trong hợp đồng ký kết lao động hay thỏa ước lao động), nhưng từ lâu điều này đã trở thành văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vừa tạo động lực khuyến khích người lao động hăng say lao động, cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp và cũng là cách giữ chân người lao động hiệu quả.
Ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), nhất là các nhà đầu tư châu Âu, khi mới đầu tư vào Việt Nam họ chỉ chú trọng thưởng Tết Dương lịch. Nhưng nay, các doanh nghiệp FDI cũng rất quan tâm chuyện này và thậm chí còn thưởng lớn hơn dịp Tết Dương lịch. Nhắc điều này để thấy, ý nghĩa và hiệu quả của việc thưởng dịp tết cổ truyền cả về mặt xã hội lẫn sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi thưởng càng lớn càng cho thấy chỉ dấu “sức khỏe”, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó sẽ thu hút, giữ chân được nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là vốn quý không phải ngày một ngày hai mà doanh nghiệp có thể tuyển dụng, đào tạo được.
Nhìn lại năm 2022, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, biến động giá xăng dầu, tỷ giá đồng đô la Mỹ, lạm phát và việc thắt chặt chi tiêu của người dân trên toàn thế giới, khiến nền kinh tế toàn cầu chững lại, giảm sút…, nhưng nền kinh tế Việt Nam có sự khôi phục, phát triển mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 8,02%, thuộc tốp cao nhất của thế giới.
Riêng với Thừa Thiên Huế, trong 3 quý đầu năm, các lĩnh vực sản xuất phát triển khá tốt. Từ tháng 9, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất thì các doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế phải tháng 10 mới thấy rõ áp lực này. Tuy nhiên, mức độ tác động không nặng nề như các doanh nghiệp ở các tỉnh phía nam. Nhờ vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng của tỉnh vẫn tăng 7,7%, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cả năm (GRDP) của tỉnh ước đạt 8,56%.
Phân tích những điều trên để thấy, tuy gặp khó khăn trong 2-3 tháng cuối năm, nhưng tổng thể cả năm, các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế vẫn có kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan. Nhờ vậy các doanh nghiệp vẫn có điều kiện duy trì khoản chi thưởng tết cho người lao động, dù có thể không bằng những năm hoạt động tốt. Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội công bố cuối tháng 12 vừa qua, có 111 báo cáo của các doanh nghiệp về kế hoạch thưởng tết, các doanh nghiệp ở từng khối có mức thưởng trung bình khác nhau, nhưng nhìn chung tương đương một tháng lương, có trường hợp mức thưởng chỉ mang tính động viên.
Điều đáng nói, cuối năm là dịp người lao động phải chi rất nhiều khoản cho tết, gia đình, thăm hỏi người thân. Năm nay, không chỉ khoản tiền thưởng tết giảm mà các khoản lương, làm tăng ca cũng không có, chắc chắn người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng sự quan tâm, cố gắng của doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành, chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành. Các hình thức như chương trình “Tết sum vầy – Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” do Công đoàn ngành dệt may tổ chức tại Huế; hay chương trình “Tết Sum vầy – Xuân gắn kết” và các phần quà cho các lao động khó khăn của Liên đoàn Lao động tỉnh rất cần được lan tỏa, nhân rộng, để “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có tết”.
Hoàng Minh