Những ngày này, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long vui mừng khi dễ dàng đến các cửa hàng xăng, dầu để mua xăng, dầu về chạy máy phục vụ sản xuất. Đây cũng là niềm vui chung của đại đa số người tiêu dùng trong nước suốt nhiều tháng nay, với giá xăng, dầu giảm xuống mức bình thường (xăng chỉ dao động trên dưới 22.000 đồng/lít; dầu chỉ dao động trên dưới 23.000 đồng/lít).
Tuy nhiên, một vấn đề tồn tại, khiến không ít người băn khoăn, dành nhiều sự quan tâm thời gian qua là, trong lúc giá xăng, dầu giảm, người tiêu dùng được lợi thì các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu lại thua lỗ. Thoáng nghe quả vô lý nhưng theo lý giải của nhiều chủ cửa hàng là sự thật. Đây chính là nguồn cơn thỉnh thoảng có nhiều cửa hàng xăng, dầu treo bảng nghỉ bán.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 cuối tuần qua, bên cạnh sự ghi nhận những kết quả đạt được về kinh tế – xã hội trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những tồn tại; trong đó, có tình trạng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh vẫn chưa được xử lý triệt để. Trước đó, Thủ tướng đã có công văn giao Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng, dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình…
Có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp đầu mối, trong thời điểm giá xăng, dầu thế giới tăng, có thể đã phải trả chi phí cao để nhập về lượng hàng lớn, nhằm đảm bảo nguồn cung và có thể hưởng lợi khi giá tăng. Nhưng giá xăng, dầu thế giới lại đảo chiều, Nhà nước điều chỉnh giá bán. Để hạn chế thua lỗ, doanh nghiệp đầu mối siết lại hoa hồng chiết khấu cho đại lý bán lẻ ở mức thấp. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ vì thế kinh doanh không có lãi, càng bán càng lỗ, do phải gánh chi phí nhân công, vận chuyển, thuế…
Tuy nhiên, nói gì thì nói, khi nguồn cung xăng, dầu dồi dào mà một số cửa hàng xăng, dầu lại đóng cửa bởi lý do hết xăng là một nghịch lý. Nguyên nhân của hiện tượng này còn có một phần do cơ chế quản lý, cũng như sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, quyết liệt của các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10 tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu ra giải pháp khắc phục những tồn tại trong kinh doanh xăng, dầu trong thời gian tới; trong đó, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng; tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng, dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng, dầu. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối…
Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các thương nhân đầu mối xăng, dầu về việc tính toán và báo cáo chi phí tăng cao bất thường, thời gian từ tháng 6 đến 20/10/2022; từ đó, Bộ Tài chính có cơ sở để xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng, dầu cho doanh nghiệp…
Từ thực tế phát sinh những bất cập, hy vọng với nhiều giải pháp đưa ra sẽ tháo gỡ những khó khăn cho các đại lý bản lẻ xăng, dầu nói riêng, từng bước ổn định thị trường xăng, dầu nói chung, góp phần phục vụ sản xuất, sinh hoạt phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
ĐẶNG THÀNH