Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Đại biểu Nguyễn Hải Nam cơ bản đồng ý với các ý kiến của các đại biểu về chữ ký số, chữ ký điện tử, tuy nhiên trong quá trình tham gia Nghị định 27 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính và cũng là Tổ trưởng tổ soạn thảo Thông tư 50 hướng dẫn Nghị định 27/2009, đại biểu Nguyễn Hải Nam đã nêu quan điểm nhằm đẩy mạnh kinh tế số.
Theo đó, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán có diện thanh toán SIP, theo đại biểu, cần có căn cứ về chữ ký giao dịch điện tử của nước ngoài. Đại biểu cũng mong muốn trong Luật Giao dịch điện tử lần này sẽ có quy định cụ thể để có căn cứ pháp lý chắc chắn cho chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, khi chúng ta công nhận được những chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài, ví dụ như điện SIP trong các ngân hàng HSBC hoặc ngân hàng Citybank chẳng hạn sẽ tăng hiệu quả và góp phần đẩy mạnh kinh tế số từ 5% GDP lên 20% GDP.
Phiên thảo luận này có 15 đại biểu phát biểu xung quanh các vấn đề về các điều khoản cụ thể như: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc; tính thống nhất của dự thảo luật với các luật có liên quan, sự tương thích với các điều ước quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước; trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, các địa phương trách nhiệm chủ quản của hệ thống thông tin; trách nhiệm giám sát của các cơ quan nhà nước, biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử; chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; gửi, nhận và phân loại thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chữ ký điện tử; điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; điều khoản thi hành, tính khả thi và điều kiện đảm bảo để luật sớm đi vào cuộc sống…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số. Đồng thời khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5.
Thọ Vương