Bị cáo Nguyễn Thành Tài (phải) tại phiên phúc thẩm (Vụ án sai phạm trong việc giao “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn và trước đó bác sĩ Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch mai bị khởi tố, bắt tạm giam, gây “sốc” cho dư luận vì họ đều là những người có học hàm, học vị rất cao, là Anh hùng Lao động, có người là đại biểu Quốc hội và đều có năng lực chuyên sâu.
Đã có một số luồng ý kiến khác nhau về bổ nhiệm và sử dụng cán bộ. Có người cho rằng, người có học hàm, học vị cao, giỏi chuyên môn thì nên bố trí lĩnh vực chuyên sâu, đầu tư chất xám cho nghiên cứu khoa học, không nên bổ nhiệm làm quản lý. Người thì ủng hộ bổ nhiệm người có trình độ cao sẽ đem lại lợi ích cho dân cho nước.
Hiện nay, nhiều cán bộ có bằng cấp cao, được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quy hoạch lên cao hơn cũng đã bị kỷ luật của Đảng, chính quyền, bị xử lý hình sự. Không ít trường hợp trong đó thiếu năng lực quản lý dẫn đến thực hiện sai chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật. Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh đã bộc lộ trước tòa là khi đối diện với điều tra viên mới biết đã làm sai, làm không đúng thẩm quyền, dù không cố ý.
Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý và sử dụng làm chuyên môn giỏi như thế nào là phù hợp?
Trong Đảng và hệ thống chính trị hiện nay theo hướng chung là bổ nhiệm, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, khả năng đảm đương vị trí được giao. Quy định cán bộ phải có đầy đủ bằng cấp, học hàm, học vị, chứng chỉ chuyên môn, có trình độ lý luận chính trị và yêu cầu cao hơn so với trước đây.
Những cơ quan đặc thù yêu cầu phải là tiến sĩ, phó giáo sư trở lên tương ứng chuyên môn. Cán bộ khi đề bạt thì tiêu chuẩn về bằng cấp là bắt buộc, không có học hàm, học vị cao thì khó có cơ hội quy hoạch, bổ nhiệm, dù có tay nghề chuyên môn rất giỏi. Đó là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao trình độ cán bộ quản lý đáp ứng hội nhập quốc tế và thời đại công nghệ 4.0.
Bằng cấp tương ứng với chức danh đã làm cho cán bộ tìm mọi cách để có được bằng cấp càng cao, càng tốt. Dĩ nhiên số cán bộ khi có đủ trình độ, tư duy khoa học được ưu tiên trong quy hoạch, bổ nhiệm là hồng phúc cho xã hội. Bên cạnh đó, có một số cán bộ cố chạy cho có bằng cấp, kể cả bất hợp pháp, số học hành không thực chất, “học giả, bằng thật” không phải ít. Số cán bộ loại này làm ảnh hưởng chất lượng, trở thành lực cản trong đánh giá, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ.
Đánh giá công bằng thì có được bằng cấp cao, trình độ thực chất không hề dễ dàng, nhất là các ngành đặc thù. Đó là yếu tố quan trọng giúp cán bộ có đủ tư chất cần thiết trước yêu cầu ngày càng cao của đổi mới, hội nhập.
Sẽ thiếu sót nếu yếu tố năng lực lãnh đạo không đáp ứng yêu cầu, thiếu tư duy quản lý, tố chất “thủ lĩnh” sẽ rất khó khi bổ nhiệm. Đó là chưa nói đến những người cố chạy cho có bằng cấp, trình độ không tương ứng với văn bằng và khả năng chuyên môn.
Ở nhiều cơ quan hiện nay đã có nhiều cán bộ có học hàm, học vị cao, có khả năng chuyên môn, được bố trí làm khoa học, nghiên cứu chuyên sâu nhưng không làm quản lý. Nhiều người đã phát huy được trí tuệ, phát minh, cải tiến có giá trị, đóng góp lớn cho xã hội, được Nhà nước tôn vinh, Nhân dân kính trọng. Không phải đến bây giờ, mà từ sau 1945 Nhà nước ta đã có những chính sách trọng dụng với người có tài năng.
Giáo sư Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học ở Pháp được Bác Hồ kêu gọi về nước, bổ nhiệm chức vụ cao nhất chỉ là Cục trưởng Quân giới. Chính phủ đã dành cho ông có thời gian, điều kiện phát minh, chế tạo ra vũ khí mới phục vụ cho kháng chiến chống Pháp và trở thành người chế tạo vũ khí hiệu quả cao khi cuộc kháng chiến đang cần. Ngay trong lĩnh vực y khoa, đồng nghiệp 2 bác sĩ nêu trên cũng có nhiều người có chuyên môn cao đã đóng góp trí tuệ, cứu chữa nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, được giới y học quốc tế đánh giá cao, dù không làm quản lý hoặc giữ chức vụ không lớn.
Nghịch lý khó lý giải chính là mâu thuẫn giữa năng lực, trình độ, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu chuyên sâu. Số có đủ trình độ, năng lực, bằng cấp, có năng lực quản lý được bổ nhiệm là đương nhiên, nhưng cũng có một số có cùng trình độ nhưng thiếu tư chất quản lý.
Phải thấy rằng, đào tạo được một người có trình độ học hàm, học vị cao, có khả năng nghiên cứu chuyên sâu không phải dễ. Nếu bố trí làm quản lý sẽ không có thời gian, hạn chế khả năng chuyên môn và chưa chắc đã giỏi công tác quản lý. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ hiện nay nhiều người có trình độ cao, trong khi cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ chiếm tỉ lệ rất ít.
Xem xét thấu đáo vấn đề này để mở ra cơ chế, chính sách đối với công tác bổ nhiệm và sử dụng cán bộ hợp lý. Quan trọng nhất là cấp có thẩm quyền đánh giá đúng thực chất từng người, công tâm cân nhắc giữa người có cùng trình độ để bố trí làm quản lý hay làm chuyên môn trên cơ sở kiểm nghiệm thực tế. Số không bổ nhiệm quản lý cần có cơ chế, chính sách đặc thù, chế độ đãi ngộ cao hơn so với người cùng chức năng, công việc. Nhà nước có thể quy định “cấp hàm” tương ứng nhằm khích lệ danh dự cá nhân, tôn vinh vị thế xã hội.
Một thời gian dài, chúng ta đặt nặng chuyên môn, bằng cấp trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý mà không tính đến hiệu quả. Đã đến lúc cần được hoạch định bằng cơ chế phù hợp trong bổ nhiệm và sử dụng cán bộ đúng với năng lực, sở trường.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH