Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá hiện có

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lắng nghe ý kiến trao đổi của lãnh đạo huyện A Lưới

A Roàng có 7 mô hình giảm nghèo bền vững

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy xã A Roàng Thái Đặng Nhật Quang cho biết, A Roàng là một trong 12 xã biên giới, giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có 3.030 khẩu/740 hộ; dân tộc Tà Ôi chiếm hơn 90%.

Hiện xã có 517 hộ nghèo, 73 hộ cận nghèo và phấn đấu cuối năm 2022 giảm 145/517 hộ nghèo. Tính đến tháng 6/2022, Đảng bộ xã có 12 chi bộ trực thuộc; trong đó, có 7 chi bộ thôn, 5 chi bộ cơ quan, trường học, với 246 đảng viên. Hiện xã có 7 mô hình giảm nghèo bền vững là, nuôi ong lấy mật dưới tán rừng cao su; trồng bưởi da xanh; trồng cây dược liệu; nuôi gà thả vườn; nuôi heo; nuôi dê và trồng rau sạch.

Bí thư Đảng ủy xã A Roàng Thái Đặng Nhật Quang khẳng định, nhờ tuyên truyền, vận động đã làm chuyển đổi nhận thức của bà con trong xã; từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trở thành những mô hình tiêu biểu về kinh tế cần được nhân rộng, như: Mô hình cộng đồng xây dựng hệ thống nước sinh hoạt của 27 hộ dân thôn A Min – C9 với giá trị trên 310 triệu đồng; mô hình nuôi bò, phát triển du lịch của anh Viên Đăng Phú; mô hình trồng cao su, nuôi dê của Viên Đăng Noh; mô hình dệt Dèng của chị BLúp Thị Cỡ, A Viết Thị, BLúp Thị Tha…

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã có 11 tiêu chí đã đạt, 8 tiêu chí chưa đạt. Từ nay đến năm 2025, xã phấn đấu đạt thêm 4 tiêu chí là, thuỷ lợi, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất và môi trường.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn luôn được Đảng ủy, đoàn thể xã và các thôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; góp phần tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của xã là, hộ nghèo nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật chậm; thu nhập người nghèo chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo trở lại. Người dân sinh con thứ 3, tảo hôn vẫn còn xảy ra; một số hộ gia đình vẫn còn nặng nề về phong tục, tập quán.

Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá hiện có

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo địa phương, các già làng, trưởng bản đã trao đổi, đề cập đến nhiều vấn đề về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, bản văn hoá.

Ông Quỳnh Thư, Già làng thôn A Roàng 2 trao đổi, bà con dân bản chúng tôi rất cám ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến cuốc sống bà con. Ngoài nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, chúng tôi mong được quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa cho bà con.

Các già làng rất quan tâm đến vấn đề văn hóa

Ý kiến khác đề xuất, cần biên soạn, ghi chép lại những tập tục, phong tục, tập quán mang giá trị truyền thống của bà con dân bản, nếu không sẽ dần bị mai một; xóa nghèo bền vững thì phải cụ thể và thực sự bền vững.

“Đảng, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng quy ước, hương ước của làng gắn với phong tục, tập quán của từng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Quỳnh Toàn, Già làng thôn A Ka đề xuất.

Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng trao đổi, hiện nay, huyện có 1.415 lao động đã đi làm việc trở lại; 3 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP; năm 2022 giảm 1.430 hộ nghèo; giai đoạn 2022 – 2025 giảm 5.238 hộ nghèo. Huyện kiến nghị, đề xuất các sở, ngành hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ, đào tạo việc làm, bố trí kinh phí để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ khẳng định, với đặc thù huyện miền núi, A Lưới hiện vẫn còn lưu giữ những tiết chế văn hoá cổ truyền đặc sắc, nhiều lễ hội không gian truyền thống vẫn được duy trì thường xuyên.

Trong bối cảnh hiện nay, văn hoá dân tộc miền núi có nhiều khởi sắc song cũng chịu không ít sức ép. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá hiện có là nhiệm vụ hết sức nặng nề của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân A Lưới.

Rất nhiều vấn đề cần phải làm đối với Huyện ủy, UBND và cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện A Lưới trong thời gian tới. Đó là duy trì bản sắc văn hóa của các di sản phi vật thể; xây dựng các thiết chế văn hóa cộng đồng, xã, thôn; xây dựng được bộ hoa văn dệt Dèng của A Lưới để chia sẻ với các địa phương cùng có nghề dệt Dèng.

Cụ bà ở thôn Ka Rôông – Aho xã A Roàng đang se chỉ, dệt Zèng

Liên quan đến giảm nghèo bền vững, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, đây là vấn đề nặng nề đối với huyện A Lưới, trong đó có xã A Roàng. Tuy nhiên, cần phải cố gắng để tạo việc làm cho những hộ gia đình có sức lao động; các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn xã A Roàng và huyện A Lưới cần động viên con, cháu, dòng họ mình nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Từ nay đến cuối năm 2022, sở, ngành và huyện A Lưới phải công nhận dệt Dèng A Roàng là nghề truyền thống. Mục tiêu cao nhất là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phải tăng cường lãnh, chỉ đạo, trực tiếp bám cơ sở để tập trung tháo gỡ khó khăn trong xây dựng thôn, bản văn hóa; giảm nghèo, bền vững; xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo.

Bài, ảnh: Anh Phong

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …