Bảo lưu quyền sở hữu

Mấy ngày nay dư luận bàn tán nhiều về chuyện quyền sở hữu nhà ở chung cư khi công trình hết hạn sử dụng.

Chuyện này có vẻ phức tạp. Nhà ở hoàn toàn không giống như một chiếc ô tô. Nếu ô tô hết hạn sử dụng anh không được đi ra đường, nhưng quyền sở hữu anh vẫn còn. Anh có thể bán làm sắt vụn hoặc chuyển đổi công năng để sử dụng vào một việc gì đó. Nhà ở thì khác. Một khi công trình được quyết định đập bỏ tức là nó đã ở vào trạng thái mức độ nguy hiểm cho người lưu trú (chủ sở hữu) và có thể cho nhiều người khác (nếu công trình bị sụp đổ).

Nó phức tạp là ở chỗ, căn hộ chung cư là người dân bỏ tiền ra mua. Họ đã mua thì phải công nhận quyền sở hữu, tức là quyền sở hữu căn hộ chung cư đó. Nhưng khi nó bị đập bỏ, tức là nó không còn nữa, hoặc sẽ tái xuất hiện trong tương lai. Nghĩa là có thể có một giai đoạn căn hộ chung cư không có sự hiện diện. Thế thì dù người dân đã bỏ tiền ra mua, nhưng trong trường hợp này thì sở hữu cái gì? Không thể sở hữu một cái gì đó không có?

Có vẻ như về mặt lý thuyết, chúng ta đã mắc kẹt trong vấn đề này – không thể tước quyền sở hữu của người dân; cũng không thể đảm bảo quyền sở hữu bằng một khối nhà đã hết hạn sử dụng hoặc đã đến độ nguy hiểm. Thế thì cần những giải pháp khác.

Bất cứ công trình nào cũng tồn tại trong một thời gian hiện hữu. Nên có lợi nhất là, về mặt kỹ thuật là làm sao từ khi xây dựng cho phép công trình có tuổi thọ cao nhất. Ví dụ như công trình cho phép hạn sử dụng 50 năm, bây giờ dùng giải pháp kỹ thuật để nâng nó lên gấp rưỡi, gấp đôi được không. Khi người dân bỏ tiền ra mua, họ sẽ thấy họ được lợi nên cũng không hoặc ít ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường.

Nói về quyền sở hữu, có vẻ như những nhà lập pháp muốn quyền sở hữu của người dân là có thời hạn (ở đây là theo tuổi thọ công trình). Còn những người phản biện thì theo hướng quyền sở hữu là một quyền bất khả xâm phạm. Nên chăng chúng ta tìm một giải pháp “trung dung” (trong trường hợp cụ thể là quyền sở hữu căn hộ chung cư). Quyền sở hữu của người dân cần được bảo lưu. Khi công trình đó bị đập bỏ, nó không còn nữa thì đồng thời tính chất sở hữu của người mua cũng không còn (vì như trên đã nói, không thể sở hữu cái không có) nhưng quyền sở hữu thì cần “bảo lưu”, dưới một thể thức nào đó (bằng văn bản chẳng hạn), để khi nào nó hiện diện trở lại thì người dân sẽ xác lập lại quyền này. Còn tổ chức như thế nào để nó hiện diện trở lại là một câu chuyện khác nữa.

Dự liệu trong tương lai, sẽ đến một thời điểm nào đó, điều chắc chắn là sẽ có những chung cư bị đập bỏ. Trong thời gian tòa nhà chung cư bị đập bỏ này, hàng ngàn hộ gia đình sẽ ở đâu. Giải pháp giải quyết nhà ở tạm thời cho người dân sẽ như thế nào? Chúng ta có thể nghĩ đến giải pháp để dành quỹ đất để phát triển các chung cư thay thế phù hợp, ít xáo trộn đời sống người dân nhất. Và quyền sở hữu căn hộ chung cư sẽ được ưu tiên xác lập lại tại đây cho đến khi khu nhà chung cư đầu tiên xây dựng lại hoàn thành. Nghĩa là quyền sở hữu của người dân không bị mất đi, trừ khi vì lý do nào đó họ từ chối tiếp tục sở hữu.

Giải pháp sở hữu có thời hạn cũng không phải là không có lý. Nếu nhìn cặn kẽ thì đây cũng chẳng qua là một hình thức cho thuê. Tôi cho anh thuê căn hộ như thế này, trong thời gian như thế này, anh có trọn quyền sử dụng trong thời gian anh thuê nhưng hết thời hạn thì mọi cam kết sẽ hết hiệu lực. Nhưng một chính sách lớn về nhà ở thì cần sự bao quát và dài hạn. Có điều sợ rằng dùng hình thức sở hữu có thời hạn nó chưa phù hợp với tâm lý của phần đông người dân chúng ta. Từ đó có thể phát sinh những hệ quả không mong muốn, ví dụ như ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường căn hộ chung cư.

Cho nên, tính toán chi ly vấn đề này cũng không thừa để đảm bảo sự ổn định của chính sách.

Nguyên Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …