Bánh tét, bánh chưng & văn hóa làng nghề

Khá bất ngờ và thú vị khi hay tin vào cuối tuần qua, lễ đón bằng công nhận nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương do UBND tỉnh trao tặng đã được tổ chức trọng thể. Bánh tét, bánh chưng Phú Dương là bánh tét, bánh chưng làng Dương Nỗ. Nơi đây có chợ quê nổi tiếng tên là “chợ Nọ” nên còn gọi là bánh tét, bánh chưng chợ Nọ. Chợ Nọ cũng nổi tiếng có giò chả ngon và cả cái danh xưng khó lòng giải thích “bolero” chợ Nọ.

Điểm lại ở Thừa Thiên Huế có 2 vùng quê nổi tiếng về nghề làm bánh tét ngon là làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) và làng Dương Nỗ (phường Phú Dương, TP. Huế). Tuy nhiên, nổi tiếng lâu đời nhất phải kể đến là nghề bánh tét ở làng Chuồn. Một thời, dân làng này chuyên làm ruộng, nấu rượu và nuôi heo. Trong làng luôn để dành 20ha cấy nếp để gói bánh tét. Nếp ở làng Chuồn gói thành bánh rất thơm và dẻo hơn những nơi khác. Khó sánh bằng làng Chuồn về tiếng tăm, làng Dương Nỗ cũng làm nghề nông, ruộng vườn phì nhiêu, lại có con sông Phổ Lợi chảy qua tắm mát, quanh năm dư thừa thóc nếp nên có nhiều gia đình làm nghề bánh tét.

Còn bánh chưng, trộm nghĩ, chợ Nọ cũng khó so sánh với Nhật Lệ về chuyện làm ăn. Khởi đầu từ một cửa hàng nhỏ, qua nhiều năm tồn tại và phát triển, bánh chưng trở thành đặc sản của con phố lớn ở Thành Nội này. Nhật Lệ còn nổi tiếng với các món ăn cơm chay, xôi và cháo gạo lứt, nhưng người đời vẫn gắn chặt địa danh này với bánh chưng. Bây giờ thay đổi, còn một thời Nhật Lệ là phố và chợ Nọ, làng Chuồn là quê. Và, cũng như bánh tét làng Chuồn, bánh chưng Nhật Lệ hút khách bởi chính nét dân dã và ẩn chứa bên trong có cả hương vị đậm đà của bánh tét làng Chuồn và bánh chưng Nhật Lệ.

Cho dù đã rất nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế trong gìn giữ và phát triển nhưng tiêu chí văn hóa vẫn được xem là hàng đầu trong các tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống từ phía Nhà nước. Theo đó, một nghề được công nhận là nghề truyền thống bên cạnh phải xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và đang phát triển là phải tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Nếu như người Hà Nội tự hào với 36 phố phường thì người Huế với hàng trăm làng nghề lớn nhỏ vẫn được gìn giữ, bảo tồn sau hàng trăm năm, thể hiện sức sống mãnh liệt cùng tấm lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân của người dân Cố đô. Mỗi một làng nghề lại có một câu chuyện lịch sử đằng sau nó. Có đến nơi đây, có thấy và có gặp, mới nhận ra rằng những người con của làng đã tâm huyết đến thế nào để có thể bám đất, bám nghề, để giữ lại những giá trị nhân văn trong chính công việc hàng ngày đó cho đến tận ngày nay.

Trở lại với bánh chưng, bánh tét chợ Nọ vừa được công nhận làng nghề truyền thống. Con số thống kê 18 hộ thường xuyên gói bánh tét, bánh chưng với số lượng lao động tham gia trên 100 người; có hơn 50 hộ sản xuất, kinh doanh nghề bánh tét, bánh chưng không thường xuyên chưa phải là điều quyết định. Thật khó hình dung tết Huế mà thiếu bánh tét! Bắt đầu từ lễ cúng Giao thừa đã thấy bánh tét được tét ra đĩa, bày ở chỗ trang trọng nhất, trên mâm cỗ cúng tổ tiên. Rồi trong cuộc sống thường nhật, bánh tét và bánh chưng được xem là hương vị và là món quà xứ Huế, không thể lẫn lộn với bất kỳ ở nơi nào. Và, đây cũng là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Huế.

ĐAN DUY

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …