Bài học lịch sử về bám đất, bám dân

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (phải) và các đồng chí của mình ở chiến khu Bình – Trị – Thiên (1947). Ảnh: TTXVN

Chỉ sợ mất lòng tin của dân

Sau ngày Mặt trận Huế vỡ (giữa tháng 2/1947), lực lượng kháng chiến của ta rút vào chiến khu, tình hình kháng chiến ở Thừa Thiên Huế nói riêng, Bình Trị Thiên nói chung lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Thực dân Pháp tiến hành càn quét lực lượng kháng chiến, chiếm đóng các vùng xung yếu, các nút giao thông quan trọng, lập bộ máy ngụy quyền cai trị và đàn áp khắp nơi, nhằm chống phá mọi cố gắng kháng chiến của quân và dân ta. Trước tình hình đó, nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ là khẩn trương động viên cán bộ, đảng viên, quân và dân bình tĩnh, đoàn kết, giữ vững vị trí của mình; thực hiện phương châm “Bám đất, bám dân” mà đánh giặc.

Để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách trên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định tiến hành tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, với mục tiêu lãnh đạo toàn dân khắc phục khó khăn, xây dựng cơ sở, củng cố lực lượng, thực hiện cuộc kháng chiến “Toàn dân – toàn diện và trường kỳ” chống thực dân Pháp xâm lược.

Trên tinh thần khẩn trương đó, ngày 15/3/1947, tại ngôi nhà của bà Trần Thị Sành ở làng Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế được tổ chức ngay trong vùng địch tạm chiếm.

Mở đầu Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ trì hội nghị, thay mặt Tỉnh ủy đọc Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào toàn quốc (đề ngày 5/3/1947) với lời căn dặn: “Lúc này, không nên hoang mang, phải nhẫn nại, phải cương quyết…”. Bác chỉ ra rằng: “Địch càng rải ra nhiều nơi thì càng mỏng manh. Ta càng sẵn sàng cơ hội đánh du kích tiêu diệt nó dần dần để đi đến thắng lợi cuối cùng…”. Trong thư, Người nhắc nhở, cảnh báo: “Địch đến đâu thì chúng giết hại, tàn phá đến đó. Dân ta không khỏi cực khổ, gian nan. Nhưng có tạm thời khổ rồi mới sướng sau”.

Trên tinh thần đó, Hội nghị đi đến kết luận: “Bộ đội ta rất anh dũng, rất gan dạ. Đồng bào ta có tinh thần cách mạng rất cao, rất thiết tha với cách mạng, muốn theo Đảng, theo Chính phủ để chiến đấu giành tự do. Điều đáng trách là chúng ta không biết cách tổ chức, huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc. Chúng ta không biết cách động viên toàn dân chiến đấu”…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh tuyên bố: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta phải tranh thủ từng thôn, từng người dân, chúng ta không thể để mất dân, chết không rời cơ sở. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân…”.

Khai thông thế trận, đẩy mạnh phong trào kháng chiến

Lời tuyên bố của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khiến cho Hội nghị sôi nổi và tin tưởng. Ai ai cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trước dân, trước Đảng, quyết tâm thực hiện phương châm “Bám đất, bám dân, chết không rời cơ sở”, khai thông thế trận lòng dân, đẩy mạnh phong trào kháng chiến, kiến quốc.

Sau ba ngày tập trung bàn thảo, lắng nghe tâm tư, ý kiến của từng đồng chí tham dự Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh thay mặt Tỉnh ủy đề ra Nghị quyết với những nhiệm vụ cần phải thực hiện ngay, đó là: Xây dựng vùng rừng núi Hòa Mỹ (Phong Điền) thành Chiến khu kháng chiến, nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh; củng cố, xây dựng lại lực lượng bộ đội chủ lực và lực lượng dân quân du kích ở các địa phương, lập ra các tổ du kích “Diệt tề trừ gian”, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tổ chức đánh những trận nhỏ lẻ ngay trong lòng địch, sau đó đánh một vài trận lớn để tiêu hao sinh lực địch, lấy lại lòng tin trong Nhân dân; khẩn trương tăng gia sản xuất lương thực, rau màu tại chỗ để nuôi quân và đánh giặc lâu dài; chú ý công tác động viên, chăm lo đời sống của Nhân dân nơi vùng địch tạm chiếm, hỗ trợ bà con sơ tán lên chiến khu theo cách mạng và chăm sóc thương bệnh binh…

Nghị quyết chỉ rõ: “Tư tưởng chỉ đạo là phải nhanh chóng chuyển sang tấn công địch bằng cách đánh du kích, kiên quyết luồn trở lại đồng bằng, vùng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân… Tin tưởng và mạnh dạn phát động phong trào chiến tranh du kích, nhằm phá tan chính sách bình định của địch, đưa phong trào kháng chiến vùng sau lưng địch vượt qua những khó khăn, hiểm nghèo, tiến lên giành những thắng lợi mới”.

Hội nghị nhất trí bổ sung hai đồng chí Hải Thanh, Trần Quý Hai vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phân công đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Sơn làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Hoàng Anh, Trần Tấn (tức Dung, Thọ), Nguyễn Lạc, Hải Thanh và Trần Quý Hai làm Ủy viên Thường vụ.

Ngay sau Hội nghị Tỉnh ủy kết thúc, những vướng mắc, lo âu bấy lâu nay đã được khơi thông, thật sự tạo nên một bước chuyển biến mới về tư tưởng, cổ vũ tinh thần kháng chiến cho quân và dân toàn tỉnh. Bầu không khí kháng chiến như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới, thúc giục đồng bào, chiến sỹ đoàn kết, vững tâm bước vào trận chiến với những quyết tâm và khí thế sục sôi. Từ đây, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Thừa Thiên Huế bắt đầu một giai đoạn mới – giai đoạn lớn mạnh và liên tiếp giành thắng lợi, góp phần to lớn vào sự thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Phá chuyên án mua bán trái phép chất ma túy

Công an làm việc với đối tượng Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh điều …