Nhạc sĩ Mặc Hy. Ảnh: Tư liệu
Ông kể vào những năm đó, ông theo Đội tuyên truyền Trung đoàn 77 của Liên Khu 4 hành quân về Phong Điền: “Đây là vùng giáp ranh, có hội tề ngụy ban ngày, tối đến theo Việt Minh. Chúng tôi ăn mặc như dân thường, sống trà trộn với đồng bào. Ban ngày giúp dân gặt lúa, phơi lúa. Tối đến trên các sân nhà, tiếng chày vồ thình thịch nhịp nhàng theo tiếng hò… Một tứ thơ, ý nhạc nảy ra trong óc tôi: “Lúa vàng! Lúa vàng trên cánh đồng làng, tang tình tang… Đêm nay gặt lúa về… ta đập, ta xay, ta giã, ta giần…”. Bài hát hoàn thành trong một đêm cuối năm 1949 ở làng Kế Môn, Điền Môn, huyện Phong Điền. Bài hát đầu tiên và là bài hát “ruột” của ông cho đến mãi về sau. Giai điệu thiết tha, mềm mại, duyên dáng thoát thai từ nền âm nhạc dân tộc nên dễ đi sâu vào lòng người.
Bài hát từ đó có số phận rất đặc biệt. Năm 1950, bài hát lần đầu tiên được giới thiệu tại Đại hội Văn nghệ Quảng Trị, do đôi danh ca Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm trình bày. Sau đó, Phòng Chính trị Phân khu Bình Trị Thiên cho in li-tô, đổi tên bài hát là “Hạt lúa phản công” trong không khí tổng phản công trong toàn quốc. Bài hát từ đó phổ biến khắp cả Bình Trị Thiên, ra cả Thanh Nghệ Tĩnh. Cuối năm 1950, tại Hội nghị Họp Bạn của văn nghệ sĩ Thừa Thiên ở Mỹ Lợi, bài hát được giới thiệu với tên “Lúa vàng” .
Năm 1954, hòa bình lập lại, nhạc sĩ Mặc Hy tập kết ra Bắc. Khi về Hà Nội, ông mới biết là bài hát “Lúa vàng” được Nxb Tinh Hoa (Huế) in tái bản đến 3 lần. Bìa do họa sĩ Phi Hùng trình bày. Trang cuối in ảnh của đôi danh ca Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm. Bài hát còn được thu trong cuốn băng “Tiếng sáo đồng quê” gồm 15 bài hát về quê hương. Hai vợ chồng Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm còn giới thiệu “Lúa vàng” ở Tân Xuân Đại nhạc hội năm 1951 tại lâu đài Nô-rô-đôm ở Sài Gòn. Năm 1954 họ tìm và gửi nhuận bút bài “Lúa vàng” cho Mặc Hy lúc đó là 5.000 đồng tiền Đông Dương, đổi ra tiền Việt được 15 vạn, ông mua chiếc xe đạp Follis hết 9 vạn. Ông có tìm đến đại diện Nxb Tinh Hoa – Huế ở Hải Phòng nhưng họ đã di cư vào Nam.
Nhờ bài hát “Lúa vàng” mà các nhạc sĩ Hà Nội lúc đó biết Mặc Hy là nhạc sĩ ở vùng kháng chiến về, trong Đại hội Đoàn Ca vũ nhạc Hà Nội đã bầu ông vào Ủy viên Ban chấp hành. Năm 1957, nhạc sĩ Tô Vũ chọn 20 ca khúc của Mặc Hy để in thành tập, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, phải đến năm 1993, tập ca khúc của ông có tựa đề “Hương thời gian” mới được in ở Huế, do Sở Văn hóa Thừa Thiên Huế xuất bản. Năm 1997, hãng Audio Sài Gòn đưa “Lúa vàng” vào đĩa CD “Nhạc tình kháng chiến” cùng 9 bài hát khác của Trần Hoàn, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Việt, Lê Yên, Đỗ Nhuận… Năm 2000, Nxb Trẻ xuất bản “Tuyển tập 100 ca khúc tiền chiến” trong đó có “Lúa vàng”. “Lúa vàng” cũng “xuất ngoại”, lan truyền qua Thái Lan, Pháp, Mỹ, Canada…
Nhưng Huế là nơi gắn bó ân tình nhiều nhất với nhạc sĩ Mặc Hy. Năm 1986, sau hơn 30 năm xa chiến trường Thừa Thiên, nhạc sĩ Mặc Hy được nhà thơ Hải Bằng và Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên mời vào Huế chơi. Ông có dịp tiếp xúc với nhiều tầng lớp công chúng yêu âm nhạc của Huế. Từ đó ông mới biết thêm nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cũng rất mê “Lúa vàng”. Trong một cuộc gặp gỡ thân mật tại vườn nhà nghiên cứu Phan Thuận An, nhạc sĩ Mặc Hy hết sức bất ngờ khi chứng kiến khoảng hai mươi cựu nữ sinh Đồng Khánh trên 50 tuổi đứng lên hát “Lúa vàng”: “Để tác giả nghe có đúng như sáng tác của mình không?”.
Cũng trong nhiều dịp sau đó, ông vác đàn guitare trên lưng đi hát đó đây. Cây đàn guitare với những trục đàn đã gãy, được thay bằng những trục khác không cùng màu sắc, kích thước. Dù nhạc sĩ Mặc Hy dư sức mua cây đàn mới nhưng ông không chịu thay đổi cây đàn của mình, bởi nó đã chung thủy đi theo ông mấy chục năm ròng. Ông mang đàn lên đỉnh Hải Vân hát “Lúa vàng” cho những người công nhân gác rừng đang rất cô đơn, sống lẻ loi trên đó. Ông nói, người nghệ sĩ phải đến với họ. Họ sống và làm việc trên đỉnh gió hú, làm nhiệm vụ cũng gian nan không kém gì những người lính canh giữ biên cương Tổ quốc. Rồi ông mang đàn lên chiến khu Thừa Thiên năm xưa, để hát cho bà con dân tộc thiểu số mà ông nói vui là “Đi hát xẩm ở A Lưới”.
Đêm giao lưu giữa núi rừng thật ấm nồng. Các cụ ông cụ bà, thanh thiếu niên ngồi quanh bếp lửa. Nhà thơ Trần Phương Trà đọc thơ, nhạc sĩ Mặc Hy hát nhiều bài, trong đó có “Lúa vàng”. Rồi nhiều nam nữ thanh niên cùng hát, một cụ ông tóc bạc phơ hát một bài cha chấp… Họ đọc thơ, hát cho nhau nghe, rượu sắn nhấm với sắn luộc và chuối chín, cuộc vui kéo dài suốt đêm. Đêm giao lưu khiến nhạc sĩ Mặc Hy nhớ lại những năm tháng còn là diễn viên văn công quân đội thời chống Pháp ở vùng Thừa Thiên. Có một chuyện làm ông nhớ mãi. Có hôm ông hát trong một ngôi nhà sàn. Cháu gái con chủ nhà còn mệt, đắp chăn, nhoài người ra nghe rất chăm chú. Thế rồi đột nhiên em tung chăn vùng dậy ra khỏi nhà. Lát sau em trở về, trên tay đầy những quả sim chín. Em đưa cho nhạc sĩ, năn nỉ mời ăn sim. Nhạc sĩ Mặc Hy nhận những quả sim rừng mà rưng rưng nước mắt…
Ông còn nhiều ca khúc nổi tiếng khác, như “Gặp nhau dưới trăng”, “Liên hoan”, “Về lại chiến khu xưa”… nhưng “Lúa vàng” bao giờ cũng là tác phẩm ông thích nhất. Có một lần ông viết: “Ở cái tuổi gần 80, ngồi nhớ lại những kỷ niệm xưa về một bài hát viết từ thời trai trẻ tự trong lòng tôi xin được cảm ơn mảnh đất Thừa Thiên Huế, cảm ơn quân đội, cảm ơn Nhân dân Bình Trị Thiên đã nuôi dưỡng cả tuổi trẻ của tôi, đã cho tôi cảm hứng sáng tác “Lúa vàng”. “Lúa vàng” đã được sinh ra ở mảnh đất này, được Huế thân thương nuôi dưỡng, yêu thương”.
Hạ Nguyên