37 năm & vẹn nguyên một cảm xúc

Xa mạ 20 năm, buổi tối đúng vào thời điểm bão Noru gầm gừ đổ bộ vào đất liền và Thừa Thiên cùng Huế mình “được chọn” là một trong số 5 tỉnh, thành lọt vào vùng có mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn), tôi lại trở về với mái nhà xưa. Ba tháng trước, một lần lăng xăng việc nhà, bất ngờ mạ ngã khuỵu, không tự đứng lên được và yếu hẳn. Vậy là từ đó, tôi và chị gái cùng thay phiên nhau, về với mạ.

Mưa bão là “đặc sản” của xứ Thừa Thiên này. Nó không hề xa lạ bởi năm nào không hẹn nhưng cũng đều đặn đến. Và điều mà tôi cảm nhận được là trong cuộc đời, cái gì hạnh phúc nhất, sướng nhất, cực nhất hay bất hạnh nhất đều khiến ta nhớ lâu. Mạ con tui cũng vậy, trong cái đêm mưa bão não nùng, sống trong tâm trạng “chờ bão”, cả 2 mạ con tui đều bất giác nhớ tới cơn bão số 8 (Cecil), cách nay 37 năm về trước. Mạ bảo, bão năm Thìn 1904 chỉ nghe kể lại, còn đời mạ chứng kiến tận mắt, đầy sợ hãi là cơn bão 1985.

Cũng vào tầm này, cơn bão số 8 quái ác đổ bộ. Cả nhà tôi ở quê có một đêm không ngủ. Một phần vì sợ, gió cứ rít lên từng hồi với những âm thanh ghê rợn. Phần nữa vì lo, lo nhà dột, nhà đổ, lúa ướt, đồ đạc hư hỏng lấy gì ăn, lấy chi dùng đây nên phải chống, phải đỡ, phải thu cất… Ba chị em tôi sợ nhưng gần sáng cũng ngủ thiếp đi, chỉ còn lại mình mạ đối mặt. Sáng mai thức dậy mới hay một nửa mái ngói đã bay đi. Tôi đạp lên Huế, hãi hùng là cảnh hoang tàn, nhà sập, cây đổ. Tôi nhớ, con số 3.000 cây xanh cổ thụ Huế bị gãy đổ, một cuộc “đại tang” khiến cho cụ Nguyễn Tuân ở Hà Nội bị sốc luôn một thời gian dài.

Nhớ buổi chiều, đứa cháu ngoại của mạ lo xa, bới lên cho mệ và cả cậu nữa ít đồ ăn để đề phòng bão lớn, điện cúp, chợ không đông… lấy đâu thức ăn, nước uống mà dùng. Tôi bảo lo chi dữ rứa, mạ cười mắng yêu, “rứa mới được” . Rồi 2 mạ con chăm chú nghe cháu kể chuyện. Nó bảo, hai đứa con nhỏ chỉ mới sau chưa đầy một tháng tới trường thì ngày mai, vẫn còn là mùa thu, đã có ngày nghỉ học đầu tiên trong quỹ chương trình dành cho những ngày bão lụt trong năm.

Đêm nay, 37 năm sau. Tui chừ cũng đã xấp xỉ 60, lớn hơn cả tuổi mạ năm ấy, lại cùng bên nhau sống lại cái cảm giác “chờ bão”. Lưng mạ còng hung, chỉ chập chững từng bước một nhưng tính cách thì vẫn như xưa. Bảo tui gài cửa cho kỹ chưa xong, lại nhắc nhớ cầm cái bẹc kê (máy lửa) kẻo cúp điện không có lửa. Mới nhắc chuyện nấu thêm ấm nước lại bảo, con hỏi thăm rứa mấy đứa mưa gió thế ni răng rồi. Ngày thường thấy mạ ủ rũ, lặng thinh và ít nói, sao chừ ri bão tới lại quán xuyến, hoạt bát như gà mái chăm con thế kia. Thì ra, nỗi lo và trách nhiệm đã thấm mất rồi, rất sâu vào tâm khảm của mạ, một đời vất vả mưu sinh, lo toan và gồng gánh. Và trong bao toan lo chồng chất kia, hằn sâu nỗi lo đương đầu vào bão lũ.

Ngôi nhà mạ con tui tối nay “chờ” bão Noru kiên cố và tiện nghi hơn nhiều so với 37 năm trước “đón” bão Cecil. Thế nhưng, ở ngoài kia vẫn còn đó bao cảnh đời phải vật vã vì gió bão… Lục tìm trong đống sách cũ, tôi bất ngờ bắt gặp cuốn tạp chí Sông Hương phát hành cuối năm 1985. Cuốn tạp chí in bằng loại giấy kém chất lượng và úa vàng, có 2 bài viết về bão số 8. Một bài ký tên Sông Hương với đầu đề “Cơn bão số 8 và nghĩa tình bè bạn” và bài kia là phóng sự của nhà văn Nguyễn Quang Hà “Hương Phú – 30 ngày sau bão”. Chuyện về cơn bão số 8 xảy ra đã 37 năm rồi, vậy nhưng đọc, tôi vẫn như bắt gặp cảm xúc lo lắng, bồn chồn đang hiện hữu.

ĐÌNH NAM

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …