Dâng hương tưởng nhớ tiền nhân tại lăng Thiên Thọ.Ảnh: TTBTDTCĐ Huế
Lễ húy kỵ diễn ra tại quần thể lăng Thiên Thọ theo nghi thức xưa với hương án, đội lễ nhạc. Buổi lễ có sự tham gia của các vị trưởng làng có công xây dựng Kinh thành Huế xưa, như: làng Thế Lại Thượng, Kim Long, An Cựu, Phú Xuân, Xuân Hòa, Tây Lộc, Hương Long, Kim Long…
Lễ hiệp kỵ vua Gia Long và vua Hàm Nghi tại Thế Tổ miếu cũng được cử hành với sự tham gia của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, nhà thờ vua Gia Long ở Long An, đền thờ vua Gia Long ở Phú Quốc và đông đảo bà con Nam Bộ.
Đây là dịp để các thế hệ hôm nay dâng hương, tưởng nhớ hoàng đế Gia Long nói riêng và các vị vua triều Nguyễn nói chung đã để lại cho Huế những di sản vô giá.
Hoàng đế Gia Long tên húy là Nguyễn Phúc Ánh. Trong gần 18 năm trị vì (1802-1820), vua Gia Long không chỉ là người thống nhất đất nước trên bình diện lãnh thổ, kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương mà còn đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội…, bằng nhiều hoạt động và chính sách cụ thể.
Đặc biệt là việc quy hoạch xây dựng kinh đô Huế từ năm 1803 và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1804, dưới triều vua Gia Long, quốc hiệu Việt Nam chính thức được xác nhận trên bản đồ khu vực và văn bản hành chính nhà nước.
Minh Hiền