Đường Điện Biên Phủ dẫn lên Nam Giao do có đường sắt cắt ngang, lại đúng đầu cửa ghi dẫn vào Ga Huế nên giao thông đường bộ thường hay bị gián đoạn, nhất mỗi khi có tàu hỏa vào ra hoặc nhà tàu cần đổi đầu, ghép toa… Vào những khung giờ bình thường thì còn đỡ, chứ đúng giờ cao điểm mà lại gặp như vậy thì đường bộ lãnh đủ. Nhất là ở phía bắc gác chắn (chân dốc Nam Giao), ô tô, xe máy có khi ùn lại kéo dài từ đầu gác chắn cho đến tận đường Lê Lợi.
Ô tô chừa đường, xe máy lấn tới (?!!)
Một điều rất “thất thế” nữa là điểm giao cắt giữa đường Phan Chu Trinh với đường Điện Biên Phủ lại rất cận với đường sắt, do vậy mỗi khi gác chắn đường tàu đóng lại thì cũng thường kéo theo ùn ứ ở ngã tư Phan Chu Trinh-Điện Biên Phủ. Lý do đơn giản là do dòng xe đứng chờ tàu có khi kéo dài như một bức tường chắn luôn đường Phan Chu Trinh. Đến khi gác chắn được mở thì tại ngã tư này lại càng hỗn độn do xung đột giao thông giữa 2 tuyến đường.
Nhà ở miệt Nam Giao, tôi thường xuyên phải qua về nút giao cắt này nên rất thấm nỗi nhiêu khê cho thực trạng giao thông nơi đây. Bởi vậy, mỗi khi trên đường về nhà và đi bằng ô tô, nếu gặp lúc chờ tàu thì bao giờ tôi cũng cố cho xe dừng ngay đầu cầu Nam Giao ở vị trí gần chạm đường Phan Chu Trinh. Như thế thì phía sau tôi, cả đoàn ô tô cũng bắt buộc phải dừng cả lại, và đường Phan Chu Trinh vẫn được thông thoáng, người xe sẽ lưu thông bình thường, tránh được tình trạng ùn ứ lúc gác chắn tàu mở ra. Tuy nhiên, đó thực ra…chỉ là lý thuyết thôi, còn tỷ lệ thành công thì rất phập phù. Bởi lẽ, ô tô thì dừng, nhưng đoàn xe máy thì vẫn cứ ào ào lách tới, ai cũng sợ thua thiệt nên xe này chen xe kia, cuối cùng đường Phan Chu Trinh bị “thắt” lại hoặc thậm chí bị bít hẳn. Vậy là cố gắng của mình, thiện ý của mình trở nên không có ý nghĩa gì cả. Nghĩ đôi lúc thật…cay đắng.
Buồn, nhưng rồi ngẫm lại, ngay cả hệ thống cọc tiêu đã được cơ quan chức năng bố trí nhằm phần luồng, hạn chế xung đột giữa 2 chiều lưu thông của tuyến Điện Biên Phủ sau khi tàu qua, ấy vậy mà vẫn có rất nhiều người chẳng cần quan tâm, kể cả cột điện trên đầu có treo camera giám sát. Huống gì… Chả trách, lực lượng cảnh sát giao thông thỉnh thoảng lại buộc phải xuất hiện để hướng dẫn, và có lẽ cũng là để “răn đe”. Chỉ khi ấy, thiên hạ mới chịu đi đứng từ tốn, chỉn chu đôi chút, ùn tắt giao thông mới được hạn chế phần nào. Quả là ngán ngao cho cái ý thức của người tham gia giao thông ở xứ mình!
Thượng Bích