Tạo điều kiện để cử tri dự thính phiên họp Quốc hội theo quy định

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại hội trường

Tham gia đóng góp ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với trách nhiệm của ĐBQH, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc Trưởng Đoàn ĐBQH không thể tham dự thì báo cáo ai? Với quy định về việc vắng mặt tổng số 2 ngày trở lên thì báo cáo bằng văn bản, thì 2 ngày đó là 2 ngày liên tiếp, hay 2 ngày trong cả kỳ họp?

Khoản 5 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết quy định: “Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội”. Đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đưa Quốc hội đến gần dân, gần cử tri cả nước. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội hướng dẫn quy trình, thủ tục, đồng thời công khai rộng rãi để cử tri nắm bắt, đăng ký tham dự theo quy định.

Về lưu trữ tài liệu kỳ họp, đại biểu đề nghị xem xét việc lưu trữ tài liệu ghi âm của các đại biểu tại Kỳ họp, phiếu biểu quyết, tài liệu khác liên quan bên cạnh tài liệu chính thức đã được sử dụng tại Kỳ họp như Luật, Nghị quyết của Quốc hội để tránh quá tải.

Liên quan đến vấn đề thảo luận tại phiên họp toàn thể, đại biểu Nguyễn Thị Sửu quan tâm đến Khoản 4 Điều 18.

Khoản 4 là Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định, đề nghị bổ sung vế câu hoặc cụm ngữ ở điểm a và diễn đạt lại các điểm b, c cho hiển ngôn. Bà Sửu cho rằng, cách diễn đạt ở 3 điểm này của Khoản 4 không rõ, do vậy đề xuất như sau: Đối với điểm a rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu xuống tối đa 5 phút khi thời gian còn lại của phiên họp không đủ để tất cả số đại biểu đã đăng ký được phát biểu, tranh luận và thêm cụm ngữ là “và cần tiến hành những bước theo trình tự phiên họp”. Điểm b, đề nghị diễn đạt như sau: Kéo dài thời gian không quá 15 phút đối với mỗi lần phát biểu của ĐBQH là chuyên gia hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình lên khi nội dung được thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp và chuyên môn sâu…

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên thảo luận có 14 ý kiến trao đổi của các ĐBQH vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và 12 ý kiến góp ý trao đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tất cả ý kiến đăng ký đều được phát biểu, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các ĐBQH, để tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, thuyết phục, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Thọ Linh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …