Sắc hoa sưởi ấm trời đông

Cuối tuần chớm lạnh, nép mình trong quán cà phê sách quen thuộc cho tâm trí “đi hoang” về miền chữ nghĩa. Thoáng thấy chiếc xe đạp của cô hàng xén vừa đi ngang, bạn reo lên như người vớ được của: “Ô, họa mi… họa mi đẹp quá”. Rồi bạn ùa ra đường, chạy về phía cô hàng xén. Lúc quay trở vào, tay bạn ôm bó hoa được gói qua loa bằng vài tờ báo cũ, trên gương mặt, đôi môi và ánh mắt cùng cười. Ánh mắt cười của bạn khi ngắm những đóa cúc họa mi nhỏ xinh và mỏng manh, chợt nhen lên trong tôi một nỗi vui lây, cảm giác xốn xang chẳng rõ căn cớ.

Khi những bông cúc họa mi từ vườn len ra phố, cũng là lúc người ta bắt đầu râm ran bao chuyện về ngày đông và tết. Cánh phụ nữ trong cơ quan tôi chẳng ai bảo ai, cứ tùy ý mà trưng họa mi cho góc nhỏ làm việc của riêng mình. Mỗi người một kiểu bình bông, một cách cắm, thả hoa khác nhau, nhưng đều mang tâm ý vui tươi. Những đóa cúc được ví như loài hoa gọi đông, mang nắng ấm và cả sự tĩnh lặng, thư thái ùa vào căn phòng, để những rộn rã nói cười xô vào nhau ấm áp. Làm duyên bên bình bông cúc, người ta trở nên hồn nhiên, trong trẻo và tươi trẻ. Nhìn sắc diện tràn đầy năng lượng của họ, tôi nghĩ về điều kỳ diệu của loài hoa bé nhỏ, hẳn nó không chỉ xao xuyến gọi đông, mà còn mang đến sự gắn kết, tin yêu vô cùng lành lẽ.

Trong cái tiết “nắng ốm” của ngày chớm lạnh có phần ảm đạm, những bông cúc họa mi xinh xắn, trắng muốt điểm nhụy vàng như làm bừng sáng không gian góc phố. Nét đẹp tinh khôi và kiêu sa của nó gieo vào lòng người nỗi chộn rộn khó tả. Tôi trông bó cúc kiêu hãnh nằm trên bàn chưa kịp chưng vào lọ, cứ thấy tim mình nhộn lên, rạo rực và bình yên đến lạ. Tôi thường “chơi” họa mi đến tận cuối mùa, trong mỗi góc nhà bé nhỏ và giản dị, dường như nhờ sắc hoa tinh khôi ấy mà trở nên đáng sống hơn. Chỉ cần về nhà sau ngày làm việc căng thẳng, mở cửa và thấy những bông cúc rung rinh như gửi lời chào, tâm can tôi nhẹ nhàng cởi bỏ những bộn bề để bên ngoài cánh cửa.

Sáng nay, facebook nhắc kỷ niệm ngót nghét đã chục năm. Bức ảnh tôi cài bông dã quỳ vàng tươi lên tóc, hài hước ghi chú là “Xúy Vân giả dại”. Ồ, đấy cũng là một ngày chớm đông hanh hao, tôi đã chạy xe ngang qua vạt dã quỳ vàng mê mải. Bất ngờ và ngạc nhiên hết sức, bởi trước tới nay tôi chỉ biết loài hoa này nổi tiếng ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt và ở Tây Nguyên. Thế nên khi thấy chúng bừng nở ở vùng Tây Bắc thì thấy lạ quá. Chẳng biết có ai đó đã “gieo giống” về đây, hay dã quỳ nương theo gió mà phiêu bạt, sinh sôi để gọi mùa đông cho xứ này?

Đón cái lạnh se tái, núi rừng bừng lên sắc dã quỳ vàng rực ấm áp. Trong cái nắng hanh và gió vờn quần quật, vạt dã quỳ ven cung đường vòng cua nhỏ hẹp đong đưa trong gió trông thật mềm mại và quyến rũ. Tôi không đừng được mà dừng lại, sà vào đám hoa vàng, vui sướng như gặp được cố tri. Hái một bó dã quỳ tươi tắn đem về phố, bình dã quỳ chẳng bày biện kiểu cách mà lại hút mắt đến ngơ người. Pha một tách trà thảo mộc, ngắm hoa dại khoe sắc, thả hồn trong những bản nhạc Trịnh da diết, ngày trôi qua nhẹ tựa như cánh hoa rơi.

Chẳng kiêu sa và dịu dàng như cúc họa mi, dã quỳ mộc mạc hướng về mặt trời mà rực vàng bừng nở. Nhưng chúng giống nhau ở chỗ, cả hai đều trông mỏng manh mà sức sống vô cùng mãnh liệt. Họa mi nở rộ khi mùa đông tới, bất chấp tiết trời giông gió, mưa phùn hay rét mướt mà kiên cường khoe sắc. Còn dã quỳ, sau mỗi đêm mưa giông gió rét, sáng ra chúng xơ xác nằm rạp, nhưng đến chiều hoặc sáng ngày hôm sau lại vươn mình đứng dậy. Cùng là những loài hoa gọi đông về, cúc họa mi và dã quỳ dường như có thể thắp lên những ngọn lửa sưởi ấm trời đông. Ngọn lửa của sự vui tươi, bình an, hạnh phúc trong lòng người…

Mai Đình

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …