Chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022-2027), sáng 27/11, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khai mạc Triển lãm “Phật giáo Việt Nam – Dấu ấn tinh hoa.”
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội cho biết, trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, sự kiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào tháng 11/1981 là mốc son quan trọng.
Đây là tổ chức thống nhất tất cả các hệ phái Phật giáo vào một ngôi nhà chung, với cương lĩnh: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và mục đích “Điều hòa, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới.”
Đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 40 năm với 8 nhiệm kỳ. Chư tôn đức giáo phẩm Hội đồng Trị sự đã lãnh đạo Giáo hội vững vàng tiến bước. Các mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, thể hiện sự trưởng thành của Giáo hội và bước phát triển, nối tiếp truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, nhiệm kỳ VIII vừa qua là một nhiệm kỳ khó khăn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với một nửa nhiệm kỳ đối mặt với dịch bệnh. Nhưng với tinh thần nhập thế sâu sắc, Phật giáo đã đồng hành cùng nhân dân vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Dưới sự lãnh đạo của Giáo hội, Phật giáo Việt Nam vẫn có những bước tiến lớn trong công tác Phật sự trong bối cảnh thời đại mới.
Triển lãm “Phật giáo Việt Nam – Dấu ấn tinh hoa” giới thiệu những thành tựu đó thông qua những hình ảnh, hiện vật với 2 chủ đề chính. Chủ đề thứ nhất giới thiệu về những nhân vật lịch sử tiêu biểu, những danh tăng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo nên những sự kiện lịch sử nổi bật cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay và những thành tựu nổi bật của Giáo hội trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Tiêu biểu như hoàn thành bước đầu diện mạo bộ Đại Tạng kinh bằng tiếng Việt với 18 cuốn và nhiều tác phẩm dịch phẩm có giá trị hàm chứa những triết lý sâu sắc từ lời dạy của Đức Phật. Thực hiện thành công bước đầu Đề án “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam: pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo.”
Trong số đó, 2 đề án pháp phục và ngôn ngữ đã đạt được kết quả, đó là bộ pháp phục Phật giáo Việt Nam và Khóa tụng thống nhất sử dụng trong các nghi lễ chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hay những thành tựu trong việc truyền bá Phật pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, đặc biệt là các ngôi chùa xây dựng trên 9 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa; hoạt động hợp tác quốc tế lan tỏa những tinh hoa của văn hóa Phật giáo Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới; thích ứng, cập nhật ứng dụng công nghệ, số hóa, góp phần tích cực trong việc hoằng dương Phật pháp nhanh chóng và sâu rộng hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch…
Chủ đề thứ hai giới thiệu những tư liệu, hiện vật, biểu tượng văn hóa Phật giáo dưới các hình thức đa dạng, phong phú để chuyển tải sâu rộng nội dung tư tưởng, triết lý, tinh thần Phật giáo đến với đông đảo tăng, ni, Phật tử và công chúng, tiêu biểu như: các tư liệu về kinh Phật, biểu tượng, vật phẩm Phật giáo là sản phẩm của các làng nghề truyền thống, trên chất liệu đá tự nhiên quý hiếm và những sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa…
Cũng theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, đây là triển lãm đầu tiên giới thiệu được đầy đủ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và các ban, viện trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập năm 1981 đến nay và cũng là lần đầu tiên giới thiệu đầy đủ các hoạt động tiêu biểu của 13 ban, viện trung ương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam 63 tỉnh, thành phố.
Qua đó khẳng định những dấu ấn quan trọng của Giáo hội trong nhiệm kỳ 2017-2022, đồng thời thể hiện sự phát triển toàn diện, toàn quốc và lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thông qua triển lãm, giúp cho các tăng, ni, Phật tử hiểu rõ hơn về công tác hoằng pháp lợi sinh, những hoạt động lợi đạo, ích đời và tri ân các thế hệ tiền nhân, trân trọng những thành quả mà các thế hệ tiền nhân đã gây dựng. Trên cơ sở đó, tiếp tục kế thừa và phát huy trong các nhiệm kỳ tiếp theo, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, thành tựu viên mãn hơn.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, các chư tôn đức lãnh đạo chủ chốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại biểu dự Đại hội đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiều nay, Đại hội sẽ khai mạc phiên trù bị. Tại phiên làm việc này, đại biểu dự Đại hội sẽ nghe báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IX (2022-2027); báo cáo Đề án nhân sự.
Theo TTXVN