Trang trí đèn lồng, hệ thống chiếu sáng phục vụ phố đêm trên đường Lê Huân đã hoàn tất. Ảnh: A.T
Một sản phẩm văn hóa-du lịch-kinh tế ra mắt trong khoảnh khắc giao thời của năm cũ và năm mới hết sức ý nghĩa. Nếu không bị ảnh hưởng do dịch bệnh, khả năng thu hút đông đảo người dân và du khách là điều có thể hình dung được.
Việc thiết kế nội dung cho ngày khai mạc phố đêm có thể nói là công phu, đa dạng. Nó giống như một trình diễn một phần văn hóa Huế. Các nội dung dự kiến sẽ diễn ra tại phố đêm Hoàng Thành gồm các thành tố: văn hóa (tạm gọi là các hoạt động phi kinh tế trực tiếp), đó là các hoạt động mô phỏng lễ hội triều Nguyễn, nghệ thuật dân gian, lễ hội đường phố, giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng; tái hiện không gian về một Huế xưa thông qua loại hình diễn xướng, trải nghiệm trò chơi dân gian, các nghề truyền thống. Thêm vào đó là các hoạt động nghệ thuật đường phố. Các hoạt động mang tính chất kinh tế (tạm gọi là hoạt động kinh tế) thì có ẩm thực, trưng bày, mua bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm truyền thống.
Nội dung sẽ diễn ra trong phố đêm Hoàng Thành phong phú. Tất nhiên, đây chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Về lâu dài sẽ có sự đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp. Khi đó, có thể có những hoạt động sẽ tiếp tục và có những hoạt động sẽ chấm dứt (xin nhắc lại là có thể). Tuy nhiên, ở đây người viết xin mạo muội nêu lên vài suy nghĩ của mình:
Cảm giác đầu tiên đó là về sự cân đối cần thiết giữa hoạt động văn hóa và hoạt động kinh tế. Có vẻ như hoạt động văn hóa “lấn át” hoạt động kinh tế. Hoạt động văn hóa ở đây một phần là để quảng bá văn hóa Huế, phục vụ đời sống tinh thần của người dân bản địa. Điều cốt lõi là nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch, tức là cho hoạt động kinh tế. Chính vì vậy, hai mục tiêu nói trên cần thiết phải được thiết kế sao cho cân đối!? Chúng ta không “thô thiển” nghĩ rằng: Phải lấy kinh tế phố đêm để nuôi phố đêm nhưng bài toán này cần được tính trên tổng thể giữa hoạt động văn hóa và du lịch, về lâu dài.
Chủ thể của các hoạt động văn hóa được huy động nhiều và trên một không gian quá rộng. Điều này có thể sẽ gặp phải những khó khăn nhất định về lâu dài. Nói một cách hình tượng nó cũng giống như chạy 100 mét và chạy maraton vậy. Muốn chạy dài thì phải phân bố sức hợp lý. Những hoạt động trình diễn sẽ là những hoạt động cần chú ý sức hấp dẫn của nó. Ví như ngành nghề truyền thống, việc tái hiện lại nó đã mất một phần hấp dẫn so với nơi nó được sinh ra và tồn tại. Bởi nơi nó được sinh ra có không gian riêng, quang cảnh riêng, tâm tư tình cảm riêng… Cũng giống như lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên nơi hấp dẫn nhất là gắn với bản làng. Một điệu Cha chấp hút hồn của người Cơ tu ở huyện A Lưới chỉ quyến rũ khi được cất lên trong lễ hội của bản làng, trong ánh lửa bập bùng, trong từng bước nhảy của bà con đồng bào. Nói như thế để thấy rằng, cần thiết nghĩ về “sự tiết chế” giữa xưa và nay, giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Thứ nữa, khi nghĩ về người tham gia phố đêm cũng đủ để chúng ta hình dung có nhiều lứa tuổi, nhu cầu. Về cơ bản, có lẽ nhu cầu của người trẻ khác người lớn tuổi, du khách sẽ khác với người bản địa !?
Nhiều nội dung và nhiều chủ thể tham gia, chúng ta phải hình dung về lâu dài nó sẽ tồn tại như thế nào. Không nói đến các khía cạnh có thể phát sinh trong quá trình tổ chức, chỉ nói về chuyện kinh phí chúng ta sẽ tính toán như thế nào? Lễ hội áo dài, đèn lồng có cần bù đắp kinh phí không? Vẽ tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên đi lại như thế nào? Những lễ hội cung đình huy động nguồn nhân lực ra sao…
Mạnh dạn nêu những suy nghĩ như là một sự trao đổi để khu phố đêm sẽ hấp dẫn và có sức sống bền lâu.
Bình An